Quảng Bình:
Gặp người hùng giữa đêm chèo thuyền vượt lũ đi cứu người
Dân trí Trong đêm tối, lũ từ thượng nguồn sông Gianh đổ về cuồn cuộn, nước dâng lên tận nóc nhà khiến nhiều người dân ở xã Phù Hoá, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình không kịp trở tay. Giữa bốn về biển nước hung dữ, anh Tâm ở thôn Long Châu, xã Phù Hoá cùng con trai đã chèo thuyền đi cứu được 15 người mắc kẹt trên mái nhà.
>> Người dân vùng “rốn lũ” bơ phờ sau cơn lũ lịch sử
“Thấy họ gặp nạn thì mình đi cứu thôi!”
Lũ vừa rút, chúng tôi về thôn Long Châu, xã Phù Hoá, một trong những địa phương bị ngập sâu nhất trong trận lũ lịch sử vừa qua và nghe câu chuyện đầy cảm động về người hùng trong cơn lũ dữ là anh Hoàng Văn Tuân (SN 1974) cùng con trai là Hoàng Văn Nam (SN 1998), vừa cứu sống 15 người dân trong cơn lũ.
Gặp chúng tôi, nhắc đến chuyện cứu người trong đêm lũ, anh Tâm khiêm tốn cười: "Có chi mô chú! Cùng là dân vùng lũ, thấy người gặp nạn thì cứu giúp thôi!”.
Anh Tâm kể, hôm đó khoảng 21h30 ngày 14/10, xã Phù Hóa bị cô lập hoàn toàn, nước ngập tận nóc nhà nhưng nước lũ vẫn chảy về kinh khủng. Thấy vậy, anh cùng vợ và hai người con phải bỏ nhà lên chiếc thuyền của gia đình đi tránh lũ.
Ngay lúc đó, anh Tậm nhận được điện thoại của mấy anh trên xã kêu đi cứu người đang mắc kẹt trên mái nhà. Không ngần ngại, anh cùng con trai lên thuyền đi ngay.
Người hùng Hoàng Văn Tâm trên chiếc thuyền cứu sống 15 người trong cơn lũ dữ (Ảnh: Phú Dương)
Nhớ lại hôm chồng đi cứu người giữa trận lũ kinh hoàng trong đêm, chị Nguyễn Thị Huyền (SN 1976, vợ anh Tâm) vẫn chưa hết hãi hùng kể: “Lúc nớ tui đắn đo lắm, không muốn cho anh đi mô, bởi lũ kéo về khủng khiếp quá, nhưng anh nói không có chi mô, hai mẹ con ngủ trước, hai cha con đi cứu người một lúc rồi về”. Dù được anh Tâm trấn an vậy, nhưng trong lòng chị Huyền cứ thấp thỏm, đứng ngồi không yên.
Nói rồi anh Tâm cùng con trai vượt qua dòng nước chảy xiết khoảng hai cây số, mất cả tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm UBND xã. Sau đó, anh Tâm cùng hai cán bộ công an xã và huyện lên thuyền đến những nhà có người đang bị mắc kẹt để cứu.
Trong đêm hôm đó, anh cùng con trai đã cứu được 8 người đang tuyệt vọng ngồi trên mái nhà và đến rạng sáng hôm sau, thuyền của anh cứu thêm được 7 người.
"Khi nớ tui chỉ nghĩ là đi cứu người chứ có nghĩ đến nguy hiểm là chi mô, nhưng giờ nhớ lại vẫn còn cảm thấy ớn trong người. Chỉ cần sơ suất nhỏ, vướng vô ngọn tre là lật thuyền ngay. Cũng may có con trai đi cùng chứ chắc tui là không đủ sức để mà chèo", anh Tâm kể mà người vẫn còn run.
Đây không phải là lần đầu anh Tâm vượt lũ đi cứu người. Trước đó, trận lũ năm 2007, anh Tâm cũng cứu được chị Thơm, nhà ở thôn Cấp Sơn, xã Cảnh Hóa. Lúc đó, nhà chị Thơm bị sập, tấm fibro xi măng rơi trúng đầu khiến chị mất nhiều máu. Trong đêm tối, nước lũ kinh hoàng, không biết cầu cứu ai, chị may mắn được anh Tâm chèo thuyền đến chở đi trạm xá cấp cứu kịp thời.
"Được anh Tâm cứu rồi mà nước mắt cứ chảy mãi..."
Là một trong số những người được anh Tâm cứu, chị Hoàng Thị Lan (SN 1986) ở thôn Trường Sơn, xã Phù Hóa vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại, lúc đó, khoảng 9h tối, nước ngập vào nhà dâng cao hơn 3m, hai vợ chồng chị phải bồng 2 đứa con, dỡ mái ngói, trèo lên nóc nhà rồi gọi xã cầu cứu. Một lúc sau thì được thuyền của anh Tâm đến ứng cứu kịp thời.
"Khi nớ vợ chồng tui rất hoang mang và lo sợ, bởi hai vợ chồng có thể còn bơi được nhưng hai đứa con nhỏ thì không biết làm răng cả. Điện lên xã thì họ bảo cố gắng chờ thêm lát nữa, trong khi nước lũ cứ không ngừng dâng lên. Hai vợ chồng đang lúc tuyệt vọng nhất thì được thuyền của anh Tâm tới vớt cả nhà lên trú tạm tại trạm y tế xã. Lúc đó trời mưa to, tui đang hoảng quá, được cứu rồi mà nước mắt cứ chảy mãi. Nói thiệt, không có anh Tâm thì không biết giờ gia đình tui như răng nữa!”, chị Lan xúc động nhớ lại giây phút được cứu thoát giữa dòng nước dữ.
Chị Hoàng Thị Lan gặp lại ân nhân của mình (Ảnh: Phú Dương)
Không chỉ gia đình chị Lan, ở xã Phù Hoá, 14 gia đình khác cũng đang coi cha con anh Tâm là ân nhân cứu mạng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Phù Hóa nhớ lại, thời điểm đó, toàn xã đã bị cô lập hoàn toàn. Cứu người dân lúc gặp nạn là trách nhiệm của anh em cán bộ xã nhưng nếu không có anh Tâm nhiệt tình, quên mình vượt lũ cứu người thì hậu quả không biết sẽ đến như thế nào nữa. Tấm gương của anh Tâm xứng đáng được biểu dương, cảm phục!
Phú Dương - Đặng Tài
Nhận xét
Đăng nhận xét