Chuyển đến nội dung chính

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong lịch sử cách mạng dân tộc

QĐND Online - Sáng 2-7, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ trì, phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: "Nguyễn Chí Thanh trong lịch sử cách mạng dân tộc” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Đại tướng (6-7-1967/6-7-2017)

Dự tọa đàm có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các nhà khoa học trong và ngoài quân đội; đại diện gia đình Đại tướng và đồng đội cùng chiến đấu, công tác với Đại tướng lúc sinh thời và hơn 100 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đến từ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Khoa học Quân sự.
Người chiến sĩ cách mạng kiên trung
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh sinh ra và lớn lên trên quê hương Thừa Thiên Huế, vùng đất kiên cường, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Được nuôi dưỡng, giáo dục và tiếp thu truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách áp bức thống trị của thực dân, phong kiến, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và tinh thần cách mạng.
Quang cảnh buổi tọa đàm.  
Năm 1934, khi mới vừa 20 tuổi, đồng chí đã tham gia cách mạng, hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương do Đảng ta phát động và lãnh đạo. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Thừa Thiên chống ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều nổ ra mạnh mẽ. Đồng chí đã dẫn dắt và khơi dậy ý chí cách mạng quật cường của đồng bào ta, tạo nên sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trên quê hương Thừa Thiên- Huế, làm kẻ thù hoảng sợ. Vì vậy, người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Thanh trở thành mục tiêu săn lùng của bọn thực dân.
Tháng 7-1939, đồng chí bị địch bắt giam ở lao Thừa Phủ, sau đó bị đưa đi đày ở các nhà tù Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Trong nhà tù đế quốc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Tháng 2-1942, đồng chí vượt ngục thành công, trở về tiếp tục hoạt động cách mạng và được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời của tỉnh Thừa Thiên- Huế. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, hệ thống cơ sở cách mạng, các đoàn thể Việt Minh, lực lượng tự vệ được xây dựng và phát triển mạnh mẽ ở Thừa Thiên- Huế. Đây là sự chuẩn bị hết sức quan trọng cho cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, dù sau đó vào tháng 7-1943, đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại bị địch bắt, bị giam giữ ở nhà tù Buôn Ma Thuột. Cho đến khi Nhật đảo chính Pháp, tháng 3-1945, đồng chí mới được thả tự do.
Tháng 8-1945, đại diện cho tổ chức Đảng ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, kiêm Bí thư Phân khu ủy Bình -Trị - Thiên. Khi đó, tình hình chiến sự tại mặt trận này vô cùng ác liệt, lực lượng của ta bị tổn thất nghiêm trọng, mặt trận Huế bị địch phá vỡ, nhiều cơ quan, tổ chức đảng trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, một số cán bộ, đảng viên tỏ ra bi quan, một bộ phận quần chúng hoang mang lo sợ. Để động viên tinh thần của nhân dân, củng cố ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, bộ đội ta, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: "Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân, chúng ta nhất định thắng!".  
 Trao đổi bên lề buổi tọa đàm. 
Năm 1948, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng giao trọng trách cương vị Bí thư Liên khu ủy Khu 4. Đến năm 1950, đồng chí được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cương vị công tác mới, đồng chí đã mang hết tâm lực của mình, cùng với tập thể Tổng Quân ủy lãnh đạo xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội ta, xây dựng nền nếp công tác Đảng, công tác chính trị, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân ta; thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện một đội ngũ cán bộ quân đội ngày càng vững mạnh, chính quy.
Hòa bình lập lại trên miền Bắc, được Đảng phân công phụ trách mặt trận sản xuất nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình, lắng nghe, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, xác định phương hướng mở rộng sản xuất, phá "xiềng ba sào", phát động các phong trào thi đua trong nông nghiệp. Đồng chí để lại những ấn tượng tốt đẹp cho cán bộ và nhân dân về tác phong làm việc sâu sát, khoa học, dân chủ, đắm mình với nhân dân.
Năm 1964 - 1965, trong bối cảnh đế quốc Mỹ đưa không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, đưa quân đội trực tiếp vào xâm lược miền Nam, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị điều động đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào chiến trường đảm nhiệm cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với tác phong sâu sát, cụ thể, đồng chí đã đến những địa bàn trọng điểm để nắm tình hình, nghiên cứu phương án tác chiến phù hợp, đề ra chiến lược quân sự, xác định tư tưởng kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công. Khẩu hiệu nổi tiếng: "Bám thắt lưng địch mà đánh" và chủ trương xây dựng các "vành đai diệt Mỹ", đã thể hiện trí tuệ và tài thao lược đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam...
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-dưới góc nhìn của khoa học và hậu thế
50 năm trước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời trong bối cảnh cả nước ta đang tích cực chuẩn bị cho một cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định ở miền Nam, với mục tiêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Sự ra đi của ông là một tổn thất to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Bởi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người chỉ huy cao nhất ở miền Nam và là người am hiểu thực tiễn chiến trường miền Nam nhất lúc bấy giờ, được Bác Hồ tin tưởng, lựa chọn giao nhiệm vụ. Cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân năm 1968 chưa đạt được mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, và ta đã phải chịu khá nhiều tổn thất về người và của. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời, nhưng lòng yêu nước nồng nàn, nhiệt huyết cách mạng tràn đầy, ý chí mãnh liệt, niềm tin bất diệt vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, và lối sống sáng trong của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn có sức lay động và lan tỏa sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân. 
PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu khai mạc tọa đàm. 
Chính bởi lẽ đó, ngay trong phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khẳng định: Từ trước đến nay tuy đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, nhưng những ý tưởng nghiên cứu về ông chưa bao giờ mất đi tính hấp dẫn. Càng nghiên cứu về ông, các nhà nghiên cứu càng tìm thấy những điểm mới, điểm sáng lấp lánh trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông.
Bởi vậy, từ khi hình thành ý tưởng, ban tổ chức đã nhận được sự quan tâm, tham gia ở tất cả các khâu của nhiều cá nhân, đơn vị, cơ quan. Đặc biệt của các nhà khoa học chuyên ngành trong và ngoài quân đội. Với 53 tham luận của hơn 60 nhà khoa học trong nước từ Bắc, Trung, Nam, thuộc nhiều đơn vị nghiên cứu như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Viện Sử học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Sài Gòn, Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc tế Hồng Bàng...
Đại tá, PGS, TS Dương Hồng Anh, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự đọc báo cáo đề dẫn. 
Theo chia sẻ của Đại tá, PGS, TS Dương Hồng Anh, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự trong báo cáo đề dẫn, chủ đề của buổi tọa đàm khoa học lần này tập trung vào 3 vấn đề lớn là: Tư tưởng chiến tranh và hòa bình, dám đánh và quyết đánh Mỹ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong vai trò là nhà lý luận và lãnh đạo cách mạng Việt Nam và Phong cách của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trên cơ sở đó làm rõ về: Cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến xuất sắc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam; cho quá trình xây dựng, trưởng thành và chiến đấu thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là tấm gương của một người đảng viên cộng sản kiên cường, nhất mực trung thành, tận tụy với Đảng, với nước, với nhân dân; một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam, nhà tham mưu chiến lược, vị chỉ huy xuất sắc của quân đội, người con ưu tú của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đồng thời, trên cơ sở đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân, phát huy truyền thống vẻ vang, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, tăng cường sức mạnh quốc phòng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tá, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam trong tham luận của mình với những luận cứ minh chứng đã nêu rõ quan điểm: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu tấm gương sáng trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ông là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam, vững vàng trước thử thách, lãnh đạo quân dân Bình –Trị -Thiên xây dựng thế trận kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; nhà chiến lược quân sự tài năng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng trên mặt trận xây dựng  chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 1961-1964; vị Đại tướng có công lao lớn trong việc xây dựng Quân đội ta vững mạnh toàn diện trên cơ sở vững mạnh về chính trị.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi buổi tọa đàm kết thúc. 
Trong hơn 30 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất; đã hy sinh, phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một vị tướng tài thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam, một nhà lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh; một tấm gương sáng ngời của người cộng sản; trung thực, thẳng thắn, chan hòa với đồng bào, đồng chí, đồng đội. Đó là nội dung chủ yếu, trọng được hầu hết các tham luận đề cập đến.
Bên cạnh những nội dung trên, khi nói về tình cảm của đồng chí Nguyễn Chí Thanh với quê hương Thừa Thiên- Huế và tình cảm của quê hương Thừa Thiên- Huế với đồng chí Nguyễn Chí Thanh, bác sĩ Hoàng Minh Cảnh, dù đã ở tuổi 90 vẫn lặn lội từ Huế ra vừa lúc buổi tọa đàm bắt đầu, phát biểu: Anh Thanh là  thủ trưởng cấp cao nhưng rất gần gũi, thương yêu bộ đội. Khi mặt trận Huế bị vỡ năm 1945, anh đã kiên định lãnh đạo anh em ở lại vùng đồng bằng Quảng Điền, bám dân để xây dựng phong trào. Nhờ sự nêu gương và lãnh đạo của anh mà chúng tôi vượt qua được gian khổ, hy sinh. Còn Đại tá Bạch Vân, nguyên Trưởng phòng Quân báo miền (Mặt trận B2) lại chia sẻ, tuy chỉ một thời gian làm việc bên cạnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhưng tư duy chiến lược “không có gì là không thể”, làm đi liền với tổng kết, rút kinh nghiệm ngay mà ông học được từ Đại tướng đã giúp ông đúc rút được nhiều kinh nghiệm, đi qua cuộc chiến, trưởng thành như sau này...
Trong suốt thời gian gần 5 tiếng làm việc, các ý kiến tham luận trình bày một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn về những vấn đề lớn được ban tổ chức lựa chọn. Tất cả các tham luận được Ban tổ chức in thành kỷ yếu gửi tới các đại biểu dự tọa đàm.
BÍCH TRANG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyền thuyết bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh... là những truyền thuyết vô cùng nổi tiếng thời vua Hùng.