Nhận thức đúng về thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự
QĐND - Cho đến nay, cả nước đã hoàn thành nhiệm vụ tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ năm 2019. Số lượng thanh niên nhập ngũ trong cả nước lên đến hàng vạn người. Cũng như nhiều năm trước, trong đợt tuyển quân năm nay đã có nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học, có việc làm, thu nhập ổn định nhưng vẫn làm đơn tình nguyện nhập ngũ.
Cá biệt có gia đình hai anh em cùng làm đơn xin được nhập ngũ trong một đợt. Trả lời phỏng vấn báo chí trong dịp lên đường nhập ngũ, nhiều thanh niên đã bày tỏ những suy nghĩ chân thành của mình: “Ngay từ khi còn nhỏ, em đã mong được mặc bộ quân phục màu xanh, làm anh Bộ đội Cụ Hồ”. Có người thì nói: “Em luôn mong muốn có dịp được sống trong quân ngũ để rèn luyện những phẩm chất cao quý của thanh niên… tiếp tục phát huy truyền thống của dân tộc ta”. Có người chia sẻ: “Bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của dân tộc là trách nhiệm, vinh dự của thế hệ trẻ… Chúng em hiểu trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ, nhất là trong tình hình hiện nay”.
Thế nhưng trên internet, mạng xã hội đã có kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tán phát thông tin xấu độc. Chẳng hạn, có kẻ viết: “Chính sách nghĩa vụ quân sự thực chất là chạy đua vũ trang”; “ Thời bình sao phải tuyển nhiều lính như thời chiến?”; “Sao không tập trung vào phát triển kinh tế, chống tham nhũng?”... Những “phản biện” nói trên công bằng mà nói, có thể do thiếu hiểu biết về đường lối, chính sách quốc phòng, về Luật Nghĩa vụ quân sự của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng đã có kẻ xấu lợi dụng dịp này để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Mục đích của họ là phá hoại mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, đặc biệt là với quân đội.
Đường lối, chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta có cơ sở lịch sử, chính trị, pháp lý minh bạch. Trước hết, đó là vì dân tộc ta phải thường xuyên chống lại các thế lực xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta cho thấy, không có một thế kỷ nào nhân dân ta không phải chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược.
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn. |
Ngay từ thời kỳ phong kiến, các triều đại trong lịch sử Việt Nam đã có chính sách “ngụ binh ư nông”(2). Chính sách này ra đời trong bối cảnh-một đất nước đất không rộng, người không đông, lại thường xuyên bị các thế lực nước ngoài xâm lược. Chính sách “ngụ binh ư nông” là sự kết hợp nhiệm vụ duy trì lực lượng quốc phòng với sản xuất, sẵn sàng chuyển hóa lực lượng quân sự từ sản xuất sang chiến đấu khi cần thiết và ngược lại, chuyển lực lượng chiến đấu về sản xuất trong thời bình.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực ngày nay đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa về độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ... Ngày nay, những nguy cơ, thách thức cũ vẫn còn đó thì lại có thêm những nguy cơ, thách thức mới. Đó là bảo vệ chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và hạnh phúc của nhân dân. Gắn liền với nguy cơ, thách thức đó là phương thức chống phá của các thế lực thù địch-đó là chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Về kỹ thuật, đó là việc các thế lực thù địch sử dụng internet, mạng xã hội làm phương thức chống phá mới.
Ứng phó với tình hình đó, đường lối, chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta đã có những điểm mới. Văn kiện Đại hội XII của Đảng ta xác định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền”… Chính sách và chiến lược quốc phòng của Đảng ta là “tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh”; “xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước”.
Đảng và Nhà nước ta cũng đã công khai hóa chính sách quốc phòng của Nhà nước ta. Đó là: “Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam chủ trương từng bước hiện đại hóa quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ.
Việt Nam chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác”.(3)
Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua là sự thể chế hóa Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” (Điều 15); “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” (Điều 16).
Luật Nghĩa vụ quân sự quy định nghĩa vụ quân sự là “Nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân;… Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của luật này” (Điều 4).
Luật Nghĩa vụ quân sự nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc-chế độ trong tình hình mới. Về mặt lý luận cũng như thực tế, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự không làm tăng quân số tuyệt đối, không nhằm chạy đua vũ trang… mà chỉ nhằm luân chuyển nhân lực từ dân sự sang quân sự và ngược lại (đó là những đợt ra quân theo định kỳ hằng năm).
Ý kiến “phản biện” rằng: “Thời bình sao phải tuyển nhiều lính như thời chiến?”; “Sao không tập trung vào phát triển kinh tế, chống tham nhũng?”, nếu không nói là một luận điệu chính trị xấu độc thì cũng thể hiện sự hiểu biết ấu trĩ về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nói chung, của Quân đội ta nói riêng trong thời bình.
Thực tế cho thấy, ngay trong thời chiến, Quân đội ta vẫn dành một lực lượng nhất định tham gia sản xuất (phục vụ quốc phòng và dân sinh)… Hiện nay, không ít đơn vị quân đội đang làm đồng thời cả hai nhiệm vụ-kinh tế và quốc phòng, như một số đơn vị quân đội làm kinh tế, tự đáp ứng một phần nhu cầu, giảm thiểu gánh nặng ngân sách cho Nhà nước. Hoặc các bệnh viện quân đội vừa là một cơ sở y tế trong hệ thống y tế quốc gia, vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng phục vụ cứu chữa trong thời chiến. Trong thời bình, ở những bệnh viện này, không chỉ cán bộ, chiến sĩ quân đội được chữa trị mà còn có cả những bệnh nhân dân sự… nhất là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Trên lĩnh vực phòng, chống thiên tai, quân đội luôn là lực lượng nòng cốt và có không ít cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ-cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các thế lực thù địch thường lợi dụng những vấn đề kinh tế-xã hội khó khăn, như ô nhiễm môi trường, những sơ hở trong quản lý kinh tế-dịch vụ công… để kích động người dân chống lại chính quyền. Hành vi “bất tuân dân sự”-là kịch bản trong đó, những phần tử cầm đầu tập hợp lực lượng, tụ tập đông người, biểu tình gây rối… từng bước đi đến bạo loạn, lật đổ chế độ xã hội, chuyển hóa xã hội hiện hữu sang con đường tư bản chủ nghĩa, lệ thuộc vào ngoại bang. Vì vậy, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị tư tưởng ngày càng quyết liệt. Trên mặt trận ấy, các cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam lại là một trong những lực lượng tiên phong...
Mục tiêu của cách mạng Việt Nam ngày nay là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều kiện và tiền đề để thực hiện mục tiêu đó là giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định xã hội. Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự là góp phần đưa dân tộc ta đi đến mục tiêu đó.
TS CAO ĐỨC THÁI (1)
(1) - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
(2) - Là chính sách trong các triều đại: Nhà Đinh, Lê sơ, Lý, Trần.
(3) - Sách trắng quốc phòng (Việt Nam) Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
Nhận xét
Đăng nhận xét