Hồi ức đẹp về Thiếu sinh quân Việt Nam
ĐCSVN) – Ngày 6/7, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đổng tổ chức buổi giao lưu ra mắt bút ký chính luận “Một thời Đông Bắc” của tác giả Vũ Mão và ký sự tiểu thuyết “Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân” của nhà văn Ma Văn Kháng.
Chương trình có sự tham gia giao lưu của tác giả Vũ Mão, nhà văn Ma Văn Kháng, các nhà văn, nhà phê bình văn học, các cựu học viên trường Thiếu sinh quân Việt Nam.
“Một thời Đông Bắc” là tập bút ký chính luận ghi chép những kỷ niệm sâu sắc của Vũ Mão trong thời gian đứng mũi chịu sào, gánh vác trọng trách nặng nề ở Tiên Yên. “Một thời Đông Bắc” là sản phẩm tinh thần của một ngọn lửa hợp thành từ hai nguồn cháy sáng: nhiệt thành chính trị và phẩm tính thơ mộng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh,Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng hoa cho hai tác giả. Ảnh: Hà Phùng
Về Tiên Yên, không chỉ là cuộc gặp gỡ với một vùng đất được thiên nhiên ban tặng những ưu đãi, một miền núi non kỳ vĩ, một bờ biển tươi đẹp, một vùng đồng bằng trù phú, một huyền thoại, một vùng đất phong thủy tốt đẹp hữu tình. Một địa bàn cư trú lâu đời của 13 dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đặc sắc… Tiên Yên với Vũ Mão trong những ngày tháng lịch sử ấy, còn là nơi, người cán bộ trẻ tuổi say sưa lý tưởng, nơi hội tụ của các gương mặt anh hùng chiến sĩ một thời hào hùng.
Nhà văn – Dịch giả Thúy Toàn cho biết: Cuốn sách có nhiều tư liệu quý về một giai đoạn của cách mạng Việt Nam ở địa phương, cụ thể là vùng Đông Bắc. Đây không hẳn là một cuốn sách nghiên cứu, nhưng cũng không hề kém cạnh một cuốn địa chí về một vùng đất tưởng rằng rất gần gũi nhưng cũng còn nhiều điều mà ta chưa biết đến. Đồng thời, cuốn sách giúp người đọc nhận biết được về một quá khứ của một cá nhân xuất chúng trên nền lịch sử của cả một không gian rộng lớn.
"Một thời Đông Bắc" của tác giả Vũ Mão. Ảnh: Hà Phùng
“Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân” là cuốn kí sự tiểu thuyết mới nhất – những trang viết xúc cảm sâu nặng gửi tặng bạn bè và tuổi thơ của nhà văn Ma Văn Kháng. Cuốn tiểu thuyết tái hiện lại cảnh quan, không khí, tâm thế, tinh thần và cảm xúc về một thời hào hùng, chân dung thế hệ “măng non cách mạng” của giai đoạn lịch sử đặc biệt - kháng chiến chống thực dân Pháp - được khắc họa sinh động và rõ nét.
Chia sẻ với độc giả về cuốn sách, nhà văn Ma Văn Kháng cho biết: Cuốn Ký sự Tiểu thuyết Mãi mãi một thời trai trẻ Thiếu sinh quân viết về giai đoạn các em thiếu niên sau thời gian góp sức cùng lớp đàn anh trên các mặt trận kháng chiến, được sự quan tâm săn sóc của Bác Hồ, Tổng Quân ủy Trung ương trở về mái trường thiếu sinh quân để học tập, rèn luyện, để sau này trở thành lớp người kế cận có trình độ quân sự và văn hóa, phục vụ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Cơ sở để tạo nên cấu trúc của cuốn sách chính là các sự kiện có thật trong lịch sử biên niên của Nhà trường Thiếu sinh quân Việt Nam đã tồn tại từ đầu năm 1949 đến giữa năm 1951.
Trường Thiếu sinh quân Trung ương được thành lập năm 1949 tại An Toàn Khu, nằm trong Liên Khu Việt Bắc. Đây là nơi học tập của “các thiếu niên theo tiếng gọi yêu nước đang có mặt tại các đơn vị bộ đội, các cơ sở quốc phòng trong các nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, văn thư, văn công… những con người trẻ tuổi đã được tôi luyện trong lửa đạn chiến tranh cần được tập trung lại để học tập bồi dưỡng, trở thành lớp người kế cận có văn hóa, có khả năng quân sự phục vụ quân đội trong tương lai.”
Tác phẩm khắc họa sinh động những chân dung thiếu niên ở trường Thiếu sinh quân một thời: Ở đó có tổ tam tam A trưởng Toàn nghiêm ngắn chỉn chu, Đoan văn hay chữ tốt giàu tình cảm, Khánh công tử đẹp trai láu lỉnh; và cũng có bộ ba tướng-sĩ-tượng Thiết Đen, Kim Diểu, Lục hạt mít nghịch ngợm; có Sáng cậu bé Tây lai cùng chú chó Jack ngộ nghĩnh…
Tác phẩm cuốn độc giả qua nhiều cung bậc cảm xúc. Những phút giây xúc động sẻ chia cùng nhau nỗi nhớ nhà, san sẻ nâng đỡ nhau trong lúc yếu đau mệt mỏi, những giờ phút gay cấn khi trường bị địch tấn công, và phút giây vỡ òa hạnh phúc của những Thiếu sinh quân nhỏ tuổi khi được gặp Bác Hồ...
“Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân” của nhà văn Ma Văn Kháng. Ảnh: Hà Phùng
Trong cuốn sách, hình ảnh người cha tháo vát, người mẹ tảo tần - “những công dân lương thiện và quả cảm, biết hi sinh chịu đựng, giàu lòng yêu nước” cũng được tác giả khắc họa với tất cả tình yêu thương, lòng thành kính, biết ơn.
Với “niềm mong mỏi có được những trang viết lưu lại ảnh hình của một thời đã qua”, nhà văn Ma Văn Kháng đã “gạn lấy chút sức lực còn lại vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, rờ rẫm nhớ lại những gì đã trải qua… trong tâm niệm có phần bảo thủ và bất di bất dịch, rằng tiểu thuyết, chính là nơi lưu giữ hình bóng cuộc sống”. Ông viết cuốn sách bằng những cảm xúc trong trẻo của tuổi thơ, dành tặng cho chính mình, những người thầy và bạn đồng môn một thuở.
TS Dương Thị Thanh Hương - Viện KHGD Việt Nam cho rằng, chọn ký sự trước tiểu thuyết, Ma Văn Kháng đã xác định rõ, yếu tố chân thực và các sự kiện có thật sẽ là nền tảng cho mạch kể, để từ đó, nhà văn sẽ hồi cố lại những khoảng thời gian đã mất, dựng lại những chân dung, những chi tiết đặc sắc, phản ánh rõ nét một thời đoạn lịch sử trong chính cuộc đời mình đã trải qua, đã chiêm nghiệm, gắn bó. Bình giá, triết lý về những sự kiện đó thông qua đối thoại, qua mạch kể của cái tôi nhà văn.
“Với cái nhìn trong cuộc, với tư cách người chứng kiến, người tham gia, bằng tâm thế và cái nhìn cuộc sống hôm nay, soi rọi lại kí ức của 70 năm về trước, một việc không dễ gì, bằng một giọng văn có sức quyến rũ từ nội lực, Ma Văn Kháng đã thực sự lưu lại được vẻ đẹp của một thời Thiếu Sinh Quân Việt Nam, góp phần làm sáng rõ chân dung những con người trẻ tuổi của thời đại anh hùng Kháng chiến chống Pháp, giành độc lập tự do cho dân tộc. Đó là một đóng góp đáng kể của nhà văn.” - TS Dương Thị Thanh Hương khẳng định.
Nhận xét
Đăng nhận xét