Tình anh bán chiếu
QĐND - Trong cuộc sống hằng ngày, dây lác đã trở nên quá quen thuộc và gắn liền với nếp sinh hoạt đời thường. Gần gũi và thân thương nhất chính là chiếc chiếu lác, cho đến từng sợi dây lác dùng riêng lẻ cho những việc khác như làm dây bó lúa, dây gói bánh tét, bánh ú, bánh lá dừa…
Hay như những phiên chợ gần đây, là sự trở lại của dây lát được “cột ngang” miếng thịt treo lên như hồi cái thời hơi xưa cũ, cái hồi túi ni lông chưa xuất hiện.
Gần đây, ô nhiễm rác thải nhựa ở mức báo động đỏ, các sản phẩm tiêu dùng dần trở về gần với thiên nhiên hơn, cũng là lúc các sản phẩm từ cây lác, cây cói bắt đầu lội ngược dòng, như túi xách, giỏ, tụng, đệm, thảm… Chính từ những yếu tố này, đã góp phần đáng kể đến việc cải thiện đời sống kinh tế của người dân làm nghề trồng lác ở nơi đây.
Cây lác là cây có một lá mầm, thân mảnh, trông có vẻ yếu ớt nhưng lại có sức sống cực kỳ dẻo dai. Đây là loại cây chịu mặn tốt. Từ giống cây mọc hoang, giờ đây cây lác được trồng và thu hoạch mỗi năm đến ba vụ. Chúng thích hợp với mọi loại thổ nhưỡng cũng như thời tiết, khí hậu. Mỗi đợt trồng, cây lác có thể thu hoạch đến 2-3 năm, cá biệt có thể đến 5 năm hoặc dài hơn nữa. Đây được xem là một loại cây trồng lợi thế, vừa ít tốn công chăm sóc, vừa có thể thu hoạch dài hạn. Trong phạm vi khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hầu như tỉnh thành nào cũng có vùng trồng lác, nhưng trồng và hình thành nghề thì chủ yếu ở Trà Vinh, Vĩnh Long.
Minh họa: MAI MINH. |
Quay lại chuyện chiếc chiếu lác.
Ở xứ sở miền Tây-cái nôi của cải lương này, từ người già cho đến trẻ con, ai ai cũng ít nhiều thuộc một hai câu hoặc cả bản (sáu câu) tân cổ “Tình anh bán chiếu” do NSND, soạn giả Viễn Châu viết năm 1959 - cách đây đúng 60 năm. Giọng ca trầm ấm, mùi mẫn và buồn rười rượi của NSND Út Trà Ôn đã ăn sâu vào tiềm thức của dân mộ điệu cải lương đến hàng mấy mươi năm, không một ai có thể thay thế. Lúc sinh thời, NSND Viễn Châu từng kể rằng, ông viết bài “Tình anh bán chiếu” trong một dịp hết sức tình cờ khi bắt gặp hình ảnh chàng trai đi bán chiếu, và người soạn giả tài hoa đã thêu dệt nên câu chuyện tình buồn với hình ảnh hẹn hò xưa, khi chàng trai vác đôi chiếu bông quay trở lại thì cô gái đã theo chồng… Với những lời yêu thương tha thiết, đau đớn của chàng trai si tình trong bài tân cổ trên, cùng với tiếng hát “độc nhất vô nhị” của mình, NSND Út Trà Ôn đã lấy nước mắt của biết bao thôn nữ một thời… Sau này, có thêm sự tiếp nối từ tiếng hát của nghệ sĩ Phương Quang.
Bây giờ, ở những cuộc vui, cũng bài tân cổ “Tình anh bán chiếu” đó, người ta thường hát bằng cách chế lời như sau: “Ghe chiếu Cà Mau cắm sào trên bờ kinh Ngã/ Bảy cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào…”.
Từ sợi dây lác đến nghề trồng và khai thác cây lác, chưa kể đến việc xuất khẩu dây lác khô ra nước ngoài, cũng chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở trực tiếp sản xuất các mặt hàng thủ công như tôi đã kể trên; tôi viết chỉ như những nét phác thảo nhỏ ban đầu; đi sâu vào, sẽ là những câu chuyện thực tế thú vị khác. Ở Cà Mau, cũng có vùng Tân Thành nổi tiếng với nghề dệt chiếu. Khi nào có thời gian, tôi mời bạn lưu lại đất Cà Mau để tôi đưa bạn trở lại Tân Thành tìm hiểu xem nghề dệt chiếu truyền thống xưa so với dệt chiếu hiện nay, có nhiều sự khác biệt như thế nào, từ khâu thu hoạch lác, phơi lác, cho đến nhuộm màu cho từng sợi dây lác nữa.
Làm ra các sản phẩm từ cây lác là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, đặc biệt là nghề dệt chiếu lác, chiếu cói. Chính vì vậy mà ngay giữa ba mươi sáu phố phường cổ kính Hà Nội, mới có sự tồn tại của phố Hàng Chiếu; hay như một huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa, có nghề dệt chiếu cói nổi tiếng Nga Sơn,
Lan man một chút cũng phải quay về miền Tây này. Bạn nên nhớ, trở lại bờ kinh Ngã Bảy chỉ để tìm duy nhất cô gái được cố NSND, soạn giả Viễn Châu thêu dệt thành câu chuyện tình buồn trong “Tình anh bán chiếu”. Nhớ đừng hỏi sáu cô gái còn lại bây giờ ở đâu, bởi tôi làm sao mà biết được cơ chứ!?
Tản văn của HUỲNH THÚY KIỀU
Nhận xét
Đăng nhận xét