Nơi lưu giữ nét truyền thống
DĐT - “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ /Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Hai câu đối cổ gợi nhắc những đặc trưng phong phú trong ngày Tết của người Việt Nam. Không chỉ đủ đầy về mặt vật chất, những giá trị về tinh thần cũng được ông cha ta coi trọng vào dịp năm mới. Một trong số đó là phong tục xin chữ đầu năm.
Năm nay, tại Hồ Văn (Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TP Hà Nội), Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội chữ Xuân Canh Tý với nhiều hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa, hứa hẹn thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách đến tham quan trong những ngày đầu xuân.
Với chủ đề “Thành Đức”, Hội chữ Xuân Canh Tý đề cao ý nghĩa rèn đức đi đôi với luyện tài trong truyền thống khoa cử, giáo dục của đất nước ta từ xưa đến nay.
Khung cảnh Hội chữ được thiết kế thống nhất với các gian viết chữ bằng tranh tre, những gian tư đình cột gỗ, mái ngói cổ kính, cùng nhiều không gian tái hiện khung cảnh làng quê Bắc bộ truyền thống.
Hội chữ năm nay có sự tham gia của 52 ông đồ, bà đồ. Để bảo đảm những bức thư pháp, thư họa có chất lượng tốt nhất, các thư pháp gia phải tham dự kỳ thi sát hạch để chọn ra những người có đủ năng lực tham gia vào Hội chữ. Mỗi thư pháp gia tham gia Hội chữ Xuân sẽ nhận được một giấy chứng nhận của Ban Tổ chức.
Với người Việt, xin chữ đầu năm là một phong tục có từ lâu đời, thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức cũng như mong muốn một năm mới an khang, thịnh vượng.
Những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, bình an được thể hiện trong những nét bút uyển chuyển.
Ảnh 7: Nữ thư pháp gia Nguyễn Thị Đức, một trong số ít những bà đồ quen thuộc của Hội chữ Xuân.
Du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu thư pháp và phong tục xin chữ đầu năm.
Niềm vui của các em nhỏ khi được cho chữ vào ngày xuân.
Cùng với hoạt động xin và cho chữ, Hội chữ Xuân Canh Tý còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn và ý nghĩa như: Triển lãm và trình diễn thư pháp, giới thiệu hơn 50 tác phẩm chữ Hán nôm và chữ Quốc ngữ; giới thiệu, quảng bá các làng nghề thủ công truyền thống cũng như trải nghiệm trò chơi dân gian vào dịp đầu năm,...
Thiếu nữ phương nam duyên dáng với tà áo dài trong không gian Bắc bộ xưa.
Đây cũng là dịp để những người bạn hữu, những văn nhân từ giới thư pháp, văn thơ, hội họa gặp nhau, cùng nhau tìm hiểu về văn hóa dân tộc, cùng nhau hàn huyên, trò chuyện trong những ngày đầu xuân.
Hội chữ Xuân Canh Tý sẽ diễn ra đến hết ngày 5-2-2020 (tức 12 tháng Giêng năm Canh Tý).
Nhận xét
Đăng nhận xét