Trái đắng cho những cuộc tình ảo
Phút bình yên nơi bản vùng cao
Ly tán...
Một ngày cuối đông, tôi có dịp trở lại Xa Dung (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) xã Anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây có 100% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Nghèo nàn và lạc hậu vẫn bám riết lấy cuộc sống của người dân suốt bao năm qua. Từ trung tâm huyện lỵ, vượt qua xã Na Son, men theo con đường mòn bám chặt lấy mấy vạt nương dốc dựng đứng là đến Xa Dung.
Vàng A Chịa ra đón tôi từ đầu bản Ca Tâu. Không giống như cậu bé 14 tuổi tôi từng gặp trước đây, Chịa ở tuổi đôi mươi rắn rỏi trông thấy. Thế nhưng, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, Chịa lại cúi gầm mặt xuống, hai hàng lệ lại rưng rưng.
Sáu năm trước, vào đúng ngày 12/8/2013, 2 người lạ mặt đến bản Ca Tâu tán tỉnh mẹ của Chịa. Chị Lầu Thị Đí (mẹ của Chịa) nhận lời đi theo họ về Lào Cai. Hai kẻ lạ kia cũng không quên hứa rằng sẽ cho chị việc làm ổn định để có thu nhập cao, gửi tiền về nuôi hai con thơ ăn học.
Nhờ tuyên truyền tốt nên đồng bào vùng cao nhiều nơi đã không nghe lời kẻ xấu |
Vàng A Chịa khi ấy mới tròn 14 tuổi, không khỏi nghẹn ngào mỗi khi nhớ đến mẹ. Chị Đí dứt áo ra đi, bỏ lại Chịa và một người em nhỏ kém em vài tuổi. Không có ai bám víu, hai anh em nương nhờ gia đình cậu ruột là anh Lầu A Súa. Nhà A Súa đã nghèo, chạy ăn nuôi con từng bữa còn chẳng xong, rồi lại phải gánh vác tương lai của hai đứa cháu.
“Chị Đí sinh năm 1967, lập gia đình với anh Vàng Pà Hờ bản Chua Ta A, xã Phì Nhừ, chung sống với nhau được một thời gian, có được 2 mặt con. Cuộc sống khốn khó, hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, xảy ra cãi cọ, hôn nhân tan vỡ.
Sau khi đường ai nấy đi, chị Đí đưa 2 con và bụng bầu 5 tháng trở về ở đằng ngoại. Khi sinh con được 1 tuổi thì 2 đối tượng lạ mặt đến nhà tìm hiểu, xin số điện thoại rồi tán tỉnh yêu đương. Trước cuộc sống quá khó khăn vì một mình phải nuôi 3 đứa con thơ nên chị đã đi theo người đàn ông lạ mặt”, Lầu A Súa nghẹn ngào kể lại.
Những tưởng cuộc tình của chị Đí sẽ “đơm hoa kết trái”, rồi có tiền gửi về nuôi hai con thơ, song chị vẫn bặt vô âm tín. Từ khi mẹ mất tích, 2 đứa con bị bỏ rơi luôn buồn bã, ít nói, ít giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa, mỗi khi mọi người nhắc đến mẹ, chúng bật khóc nức nở.
Đồng bào vùng cao hăng hái sản xuất |
May mắn trở về
Chị Lầu Thị Khu (SN 1978), dân tộc Mông, ở bản Nà Sản A xã Xa Dung là một trong số ít người may mắn trở về. Lấy nhau được 1 năm, chị Khu và người chồng ly dị. Bụng mang dạ chửa trở về với bố mẹ đẻ, không lâu sau Khu hứng chịu nỗi đau mất con vì bệnh nan y.
Sáu năm chung sống với bố mẹ, chị Khu tái hôn, song người chồng suốt ngày ăn chơi lêu lổng, nghiện ngập, trộm cắp khắp nơi. Đi đến đâu cũng bị xua đuổi, nên chồng chị bỏ đi lang thang nay đây mai đó. Lần thứ hai chị Khu trở về “nơi sản xuất”.
Những tưởng cuộc đời lặng lẽ trôi, nhưng rồi một ngày, chị bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ một người đàn ông dân tộc Mông. Những lời “có cánh”, ngọt ngào của gã, như rót mật vào tai đã đánh thức bản năng người phụ nữ trong chị. Thêm một lần nữa, chị mở lòng mình và bỏ nhà ra đi theo lời hẹn của người đàn ông chưa bao giờ gặp mặt.
Chị Khu kể lại: “Cũng may khi lên đến cửa khẩu, tôi đã bị cơ quan chức năng kiểm tra và giữ lại. Chứ không, nếu sang bên kia biên giới thì cũng chẳng biết số phận của tôi sẽ như thế nào. Không biết sẽ đi đâu, về đâu. Chỉ nghĩ thế thôi mà đã sợ lắm rồi!”.
Người mẹ dân tộc thiểu số dành thời gian chăm sóc con |
Trường hợp của chị Sùng Thị Lia (SN 1999) dân tộc Mông, ở xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông cũng là bài học đáng nhớ. Mới quen biết nhau qua điện thoại, Lia đã nảy sinh chuyện yêu đương với một người thanh niên chưa biết mặt.
“Ngày 14/4/2014, kẻ lạ hẹn đến nhà tôi. Tối hôm đó, tôi ra đường, cách nhà khoảng 200 m để đón anh ấy về thăm nhà. Đến nơi, người thanh niên ấy cầm sẵn 2 chai nước ngọt rồi đưa cho tôi một chai, mời tôi uống coi như quà gặp mặt. Tôi từ chối không uống vì theo lời hẹn là đến nhà chơi.
Nhưng anh ấy bảo phải uống hết chai nước mới thể hiện sự tôn trọng người mua. Không từ chối được, tôi đã uống hết chai nước. Sau khi uống chừng 5 phút, thấy có biểu hiện choáng váng, tôi cứ thế lên xe máy, đi theo họ mà không biết là sẽ đi đâu”, Sùng Thị Lia kể lại.
Cho đến buổi chiều ngày hôm sau, Lia đã dần thức tỉnh. Lia chỉ được biết là về nhà bạn trai để “xem cửa, xem nhà” trước khi hai người quyết định làm đám cưới. “Đi đến trước một con sông có cây cầu lớn, anh ta dừng xe ở bên này và đưa tôi sang đến bên kia cầu thì thấy có 2 vợ chồng người Mông và một người đàn ông Trung Quốc chờ sẵn.
Người thanh niên bảo tôi đi theo 3 người đó lên nhà nấu cơm trước, còn anh ta quay lại dắt xe đi mua vài thứ rồi sẽ về sau. Sau khi đi theo 3 người lạ chừng 30 phút không thấy anh kia về, tôi hỏi thì 2 vợ chồng đó bảo anh kia đã bán tôi cho họ và quay về rồi. Ban đầu tôi không tin đâu, nhưng sau khi họ ép tôi phải lên xe ô tô thì tôi mới thấy sợ hãi và tin rằng mình đã bị bọn buôn người lừa bán”, Sùng Thị Lia tâm sự.
Đến đất Trung Quốc, Lia bị bán đi qua 4 nơi với 4 người chủ khác nhau. Họ chủ yếu là các gia đình người Mông ở vùng nông thôn. Người chủ cuối cùng mua lại Lia cũng là vợ chồng chuyên buôn người. Tại thời điểm Lia ở đó, vợ chồng này vừa mua được 2 mẹ con người Mông ở tỉnh Lai Châu. Họ đã bán người mẹ cho một người đàn ông Trung Quốc và giữ lại đứa con gái mới 3 tuổi để bán cho người khác.
Lợi dụng lúc chủ mua sơ hở, người phụ nữ ở Lai Châu đã trốn thoát, rồi tìm cách trình báo với Công an Trung Quốc nhờ giải cứu con của mình. Cũng nhờ đó mà Lia được cứu thoát rồi được trao trả về cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang). Được giải cứu và trở về với quê hương, với gia đình thân yêu của mình, Lia cảm thấy rất may mắn như mình lại được sinh ra thêm một lần.
Cần sớm cảnh tỉnh...
Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ không chỉ là đồng bào dân tộc Mông mà các dân tộc khác từng dễ dàng mắc lừa rồi đánh đổi cuộc đời mình theo vòng xoáy của bọn buôn người. Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, cộng với sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin nên họ bị đối tượng xấu lợi dụng móc nối qua điện thoại kết thân rồi bỗng chốc trở thành nạn nhân của nạn buôn người.
Để rồi đến lúc nhận ra mình là nạn nhân thì đã quá muộn. Cuộc sống ở quê nhà vẫn bình yên, có rất nhiều đứa con thơ dại như cậu bé Chịa vẫn hằng mong mẹ trở về, hình ảnh người mẹ ấm áp ngày nào vẫn lẩn khuất ngay cả trong giấc mơ.
Có lẽ, ở phương trời kia, bằng tình mẫu tử, người mẹ kia vẫn sẽ có lúc nhớ về đàn con thơ đang mong ngóng. Cuộc chiến để tìm về với gia đình, quê hương của những người lầm đường, lạc lối còn lắm gian nan.
“Trong hai năm 2016 – 2017, chúng tôi đã triệt phá được 3 đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới, khởi tố 4 đối tượng có liên quan. Bọn buôn người thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, sự thiếu hiểu biết của đồng bào để lừa phỉnh. Chúng thường vẽ ra những viễn cảnh thơ mộng để dụ dỗ chị em, đánh vào lòng tham để lừa đảo.
Bị bán sang bên kia biên giới rồi thì chị em mới biết cuộc sống không sang giàu, hạnh phúc như mình mong muốn nhưng khi nhận ra thì đã muộn. Trong hai năm trở lại đây, bọn chúng vẫn rình rập, âm mưu lừa phỉnh người dân vùng cao. Tuy nhiên, thủ đoạn của bọn chúng hết sức tinh vi.
Chúng thường sử dụng khâu trung gian như taxi, xe ôm để kết nối với nạn nhân. Kẻ bán người thì ở Việt Nam, còn người mua thì lại bên kia biên giới. Bọn chúng liên hệ với nhau thường qua sim rác. Chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình phá án. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng tổ chức đoàn thể các cấp thì vấn đề then chốt để ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới đó là nâng cao nhận thức của người dân”.
Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh,
Trưởng Công an huyện Điện Biên Đông
Trưởng Công an huyện Điện Biên Đông
Nhận xét
Đăng nhận xét