Việt Nam và Nga ứng dụng công nghệ plasma lạnh chống đại dịch Covid-19

NDĐT – Nhóm các nhà khoa học Việt Nam thuộc Viện Công nghệ VinIT (VinIT Institute of Technology) và các nhà khoa học Nga thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo vừa khẳng định những nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh, bảo đảm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới.
Việt Nam và Nga ứng dụng công nghệ plasma lạnh chống đại dịch Covid-19
GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ và Hiệu trưởng MPEI N. Rogalev trong một chuyến thăm ĐH Quốc gia Hà NộI.

Trong khi cả thế giới đang oằn mình chống dịch Covid-19, các nhà khoa học Việt Nam và Nga cũng ngày đêm nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp hữu hiệu, trước hết để bảo vệ con người tránh nhiễm trùng từ môi trường bên ngoài. Điều này càng cấp thiết hơn khi thực tế đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, virus corona chủng mới có thể lơ lửng trong không khí và bám khá lâu trên các bề mặt.
Và tin vui đã đến, khi những ngày đầu tháng tư này, nhóm các nhà khoa học Việt Nam thuộc Viện Công nghệ VinIT (VinIT Institute of Technology) và các nhà khoa học Nga thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo, gần như cùng lúc đã khẳng định những nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh, bảo đảm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới.
Buồng thử nghiệm với hệ thống plasma.
Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học (GS-TSKH) ngành Vật lý và Công nghệ Plasma, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT Nguyễn Quốc Sỹ ngày 3-4 cho biết: “Công nghệ này là cách tiếp cận mới của thế giới trong việc khử khuẩn bề mặt và diệt virus bằng khí ion lấy từ các nguồn plasma lạnh”. Theo ông, xưa nay chúng ta thường chỉ biết đến dung dịch cồn và thuốc tẩy là những chất khử trùng chính, giúp loại bỏ mầm bệnh, tuy nhiên các chất này có một số nhược điểm: mùi gắt và ít nhiều cũng không tốt cho sức khỏe, trong khi việc xử lý bề mặt bằng tia UV lại mất nhiều thời gian.
Là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng Plasma nhiệt độ thấp, từng 30 năm gắn bó giảng đường Đại học Năng lượng Quốc gia Moscow (MPEI), Viện sĩ Hàn lâm Khoa học điện Liên bang Nga, có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng nổi tiếng thế giới, năm 2016, GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ đã trở về Việt Nam, tham gia thành lập Viện Công nghệ VinIT, biến nơi đây thành “mái nhà chung”, thu hút nhiều nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trên thế giới, trở về đóng góp trí tuệ dựng xây Tổ quốc.
Hệ thống thử nghiệm khử khuẩn bề mặt và diệt virus SARS-CoV-2.
Ông Nguyễn Quốc Sỹ cho biết đã cùng các nhà khoa học tại Viện VinIT thí nghiệm thành công và tạo ra nguyên mẫu sản phẩm công nghiệp, đó là Hệ thống buồng khử khuẩn công nghệ plasma. Đây là sản phẩm quan trọng và đầu tiên ứng dụng công nghệ plasma lạnh nhằm chống lây nhiễm chéo, diệt virus trên bề mặt và trong không khí. Hệ thống có các cơ chế khử khuẩn plasma tiên tiến, không phóng xạ, không hóa chất, không độc hại cho con người và môi trường. Đầu phát plasma lạnh từ các nguồn cao thế, cao tần cung cấp đa dạng nguồn các hạt điện tích và khí ion hoạt tính cao như OH–, O–, O2–, các nguyên tử và phân tử kích hoạt O, O* (kích hoạt), O2, O2*, O3, O3*, NOx có khả năng diệt khuẩn. Hệ thống buồng khử khuẩn plasma có thể ứng dụng rộng rãi cho khử khuẩn bề mặt trên người, trang thiết bị, chống lây nhiễm chéo cho các bệnh viện, khu cách ly, cửa khẩu, biên giới và các nơi tụ tập đông người…
Ngoài ra Hệ thống buồng khử khuẩn công nghệ plasma có thể sử dụng tốt cho các nhiệm vụ khử khuẩn, diệt nấm, diệt virus trong các lĩnh vực y sinh và nông nghiệp, giúp xử lý và bảo quản nông sản, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu. Dòng plasma lạnh cung cấp lượng lớn các ion âm, gốc oxy hóa mạnh như OH–, O–, O2– và các nguyên tử, phân tử kích hoạt, dễ dàng tham gia biến đổi cấu trúc phân tử của các loại chất độc hóa học. Vì vậy, hệ thống buồng khử khuẩn công nghệ plasma còn có thể sử dụng cho quá trình tẩy độc bề mặt, chống chiến tranh sinh hóa. Trong đại dịch Covid-19 hiện nay, Hệ thống buồng khử khuẩn công nghệ plasma có thể đóng vai trò quan trọng trong chống dịch.
Trước đó, cổng thông tin chính thức của Trường Đại học Năng lượng Quốc gia Moscow (MPEI), nơi ông Nguyễn Quốc Sỹ từng là Trưởng khoa Năng lượng Plasma và là Trưởng Phòng Thí nghiệm Plasma của trường đã đăng tải thành công nói trên của Viện VinIT.
Trong khi đó, trang tin “vn.Sputniknews.com”, ngày 2-4 cũng cho biết các nhà khoa học Nga thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo, cũng đã tạo ra một thiết bị xử lý nước bằng công nghệ plasma lạnh, cho phép tiêu diệt các vật thể sinh học nhỏ như nấm, vi khuẩn và virus. Các mầm bệnh đều bị tiêu diệt sau khi tiếp xúc với nước đã qua xử lý nêu trên, có tên gọi Magnaril, chứa các loại oxy phản ứng và axit hypochlorous. Nước Magnaril có thể được sử dụng để xử lý khẩu trang y tế và các bề mặt khác nhau, cũng như có thể phun diệt khuẩn trong không khí. Các nhà khoa học Nga khẳng định “khác với các dung dịch cồn và thuốc tẩy, nước Magnaril an toàn tuyệt đối cho con người và không có mùi. Hơn thế, nước Magnaril có thể tiêu diệt virus corona chủng mới”.
Là người con nước Việt, song tên tuổi và sự nghiệp của GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ chủ yếu gắn liền với nước Nga. Ông từng được Tổng thống LB Nga Vladimir Putin trao tặng Giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ năm 2006. Việc các nhà khoa học Việt Nam và Nga cùng có chung ý tưởng và đều đạt được những thành công trong các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ plasma lạnh chống virus corona chủng mới, đang thực sự đem lại niềm tin tưởng rằng Việt Nam, LB Nga cũng như tất cả chúng ta sẽ sớm khống chế thành công đại dịch Covid-19.
QUẾ ANH
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyền thuyết bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh... là những truyền thuyết vô cùng nổi tiếng thời vua Hùng.