PHÁT TRIỂN VÀ HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN Ở VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Cách đây mấy năm, một số người tự
xưng là “nhà nghiên cứu”, “nhà khoa học”, “nhà dân chủ” đã phát biểu trên
một số tờ báo nước ngoài, trang mạng xã hội rằng “KTTT" và XHCN khác nhau
như nước với lửa, như ngày với đêm, hoàn toàn đối lập nhau”; “KTTT là phủ
định của XHCN và ngược lại”... Gần đây những người này lên diễn đàn “góp ý” vào
dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cũng vẫn luận điệu ấy nhưng lại “bổ
sung thêm vấn đề mang tính lý luận” rằng "KTTT định hướng XHCN là khái
niệm mơ hồ” vì thế họ “kiến nghị không nên để cụm từ KTTT định hướng XHCN trong
văn kiện Đại hội XIII”.
Không hiểu những người nói trên
“nghiên cứu” những gì nhưng xem họ phát biểu thì những người có hiểu biết chút
ít về kinh tế thì cũng cảm nhận được sự mơ hồ của họ. Bởi lẽ KTTT là sản phẩm
của văn minh nhân loại. Chủ nghĩa tư bản đã lấy KTTT làm cơ sở cho sự tồn tại,
vận động, phát triển của mình. KTTT đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi thăng
trầm, tiến hóa theo thời gian cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất và
các quan hệ kinh tế, dưới tác động của cách mạng KHKT.
Tại Việt Nam, khái niệm KTTT định hướng
XHCN được chính thức sử dụng trong các văn kiện Đại hội IX của Đảng (tháng
4-2001); theo đó, “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu
dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế
thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đó chính là nền
KTTT định hướng XHCN”. Đại hội lần thứ XII của Đảng (tháng 1-2016) tiếp tục bổ
sung, phát triển: “Nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy
đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp
với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập
quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN”.
Dự
thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội
lần thứ XIII của Đảng tiếp tục làm rõ thêm khái niệm KTTT định hướng XHCN là mô
hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đó là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các
quy luật của KTTT, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu "dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển
của đất nước. Nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu,
nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh
tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư
nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng
được khuyến khích phát triển.
Như
vậy không thể coi “KTTT định hướng XHCN” là khái niệm mơ hồ. Cũng phải nói thêm
rằng, trong thời gian gần đây ở các nước tư bản phát triển, dù ở mức độ khác
nhau, nhưng KTTT đều có định hướng xã hội. Đây là xu hướng tiến bộ, là những
mầm mống của CNXH trong lòng chủ nghĩa tư bản. Do tính chất của thời đại, một
nước kinh tế chưa phát triển, chưa qua giai đoạn phát triển TBCN, cũng có thể
quá độ lên CNXH. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế trong
thời kỳ quá độ lên CNXH ở những nước này, sử dụng cả KTTT và cả kinh tế TBCN để
xây dựng nền tảng cơ sở vật chất cho CNXH.
Thực tiễn đã chứng tỏ sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam
Trong
“bầu trời u ám” kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng
đáng ghi nhận và tự hào. Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91%
so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và thiên tai gây hậu quả nặng nề thì đây là
thành công lớn của Việt Nam. Lý giải nguyên nhân dẫn đến thành công này, nhiều
chuyên gia kinh tế cho rằng, có nguyên nhân quan trọng từ mô hình thể chế KTTT
định hướng XHCN. Mô hình này tỏ rõ hiệu quả về khả năng tự chủ, tự cường, phản
ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ.
Có
thể nói thể chế KTTT định hướng XHCN đã là cơ sở để Việt Nam hoàn thành mục
tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa tập trung nguồn lực phát
triển kinh tế. Định hướng XHCN của nền KTTT được bảo đảm bởi vai trò quản lý
của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thể hiện
ở hệ thống pháp luật, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để tạo ra
môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, thuận lợi, tạo động lực phát triển
kinh tế nhanh, bền vững.
Những
nhận định đánh giá của các tổ chức quốc tế, cơ quan thông tấn quốc tế và các
con số thống kê nói trên đã minh chứng cho hiệu quả của việc phát triển KTTT
định hướng XHCN của Việt Nam và khẳng định “lời khuyên” của những người muốn
Việt Nam đi chệch đường là không có cơ sở về thực tiễn.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN
Thực
ra không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, các thế lực thù địch và các phần
tử cơ hội chính trị ở cả trong nước và nước ngoài thường xuyên chống phá Đảng,
Nhà nước, công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN của
nhân dân ta. Chúng vẫn xuyên tạc rằng, không có nền kinh tế nào là nền KTTT
định hướng XHCN; KTTT, các quy luật của KTTT và định hướng XHCN là những yếu tố
đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng XHCN vào KTTT là sự gán ghép chủ
quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học. Có người còn “kiến nghị”: “Nếu
bỏ, không có cái đuôi “định hướng XHCN” thì kinh tế đất nước sẽ phát triển
nhanh hơn”...
Để
đấu tranh có hiệu quả trước những luận điệu sai trái nói trên, một mặt chúng ta
vẫn tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN. Trong đó cần ưu tiên xây
dựng các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội
nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi
pháp luật. Phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là
các thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học-công nghệ.
Mặt
khác cũng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai lầm của các
thế lực thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần có quan điểm vững vàng,
kỹ năng tiếp nhận, xử lý thông tin một cách khoa học trong thời đại bùng nổ
thông tin; kiên định, tỉnh táo, không chia sẻ, bình luận những loại thông tin
xấu độc, xây dựng cho được “hệ miễn dịch” trước thông tin xấu độc. Đồng thời,
cần chủ động hơn trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi loại thông tin này, như
giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.
Đối
với các cơ quan pháp luật, phải chủ động, thường xuyên, kiên quyết, kịp thời,
hiệu quả trong phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này,
nhất là các đối tượng tạo lập, tán phát thông tin xấu độc, lợi dụng thông tin
xấu độc để chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền, nhân dân và xử lý nghiêm minh
theo đúng quy định của pháp luật./.
Nhận xét
Đăng nhận xét