Dân chủ và Kỷ cương - Nhìn từ đại dịch Covid-19

Covid-19 xuất hiện và tồn tại đến nay đã hơn một năm rưỡi và chắc chắn sẽ còn tồn tại trong một khoảng thời gian không ngắn. Sức tàn phá khủng khiếp cả về tính mạng và tài sản do con virut này gây ra đã biến nó trở thành một đại dịch toàn cầu. Không chỉ có thế, Covid-19 còn như “một chất thử liều cao” đối với các thể chế chính trị, các chính phủ trong việc nhìn nhận, đánh giá và xử lý các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội có liên quan mật thiết đến đời sống người dân.

Quả thực, nhìn vào thực tế những gì đã và đang diễn ra ở các nước đứng đầu thế giới về số người chết và số ca nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 từ khi dịch bệnh này xuất hiện cho đến nay, chúng ta thấy được sự khác biệt rất rõ nét về cách thức các chính phủ nhìn nhận và giải quyết các thách thức do đại dịch Covid gây ra trong rất nhiều mối quan hệ, như: giữa tăng trưởng kinh tế và sức khỏe nhân dân; giữa lợi ích quốc gia dân tộc và trách nhiệm quốc tế; giữa nhà nước và thị trường trong cung ứng một số dịch vụ công thiết yếu; giữa bảo đảm dân chủ và tăng cường kỷ cương, kỷ luật…

Trong hàng loạt các mối quan hệ nêu trên, vấn đề bảo đảm dân chủ, tự do với tăng cường kỷ cương, kỷ luật có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, bởi lẽ đại dịch Covid-19 do đặc tính lây nhiễm của nó đòi hỏi một sự giới hạn nhất định trong các hoạt động của con người, nhất là các hoạt động mang tính cộng đồng và tự do cá nhân cả về quy mô (rộng hay hẹp, lớn hay nhỏ), tính chất (đơn giản hay phức tạp, thoải mái hay gò bó) và loại hình (cá nhân, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo…), cùng với đó là yêu cầu tuân thủ một cách nghiêm túc, vô điều kiện các biện pháp, quy định do các cơ quan chức năng đưa ra nhằm làm giảm thiểu mức độ lây lan và tổn thất do dịch bệnh gây ra.

Điều này cũng có nghĩa, nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương chẳng những không làm mất đi sự tự do trong cuộc sống của mỗi cá nhân, không tước bỏ những yếu tố thuộc về sở thích, năng lực, sở trường, lại càng không phải đàn áp tự do, xiềng xích, trói buộc như ai đó cố tình xuyên tạc nhằm mục đích xấu, mà ngược lại, đặt tự do, dân chủ dưới kỷ cương, lấy kỷ cương để bảo đảm tự do, dân chủ chính là cách thức xử lý vô cùng khôn khéo và hợp lý. Chỉ bằng cách đó mới có thể vừa bảo đảm được các quyền dân chủ, tự do lại vừa tạo ra một không gian cần thiết để bảo đảm ổn định xã hội, phát triển kinh tế, qua đó ngày càng thực hiện tốt hơn các quyền tự do, dân chủ của công dân trong thời đại dịch bệnh đang có chiều hướng lan rộng.

Còn nhớ, ở Mỹ kể từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Seattle, bang Washington vào ngày 21/01/2020, các nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm virus đã không được chú trọng do nhiều nguyên nhân, trong đó có áp lực phải duy trì các hoạt động kinh tế và bảo đảm các hoạt động sống tự do của người dân. Chính bởi vậy,chỉ trong một thời gian rất ngắn, Mỹ nhanh chóng vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về số người nhiễm và tử vong vì Covid-19. Covid-19 đã đẩy nước Mỹ vào tình trạng hỗn độn và chia rẽ sâu sắc: các cuộc tranh luận, cáo buộc trách nhiệm xuất hiện ngày càng nhiều; một bộ phận người dân xuống đường biểu tình đòi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, tụ họp của chính quyền ở nhiều nơi; một số tiểu bang chống lại lệnh phong tỏa của chính quyền tổng thống Donal Trump trong khi bệnh viện trở nên quá tải và lộn xộn do sự gia tăng đột biến các ca nhiễm;… Sau Mỹ, một loạt nước như Pháp, Đức, Ý, Anh, Thụy Điển… cũng liên tục ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 ngày một tăng cao, cá biệt có những nước đang rơi vào “bi kịch chưa có hồi kết” như tại Ấn Độ hay như Indonesia hiện nay.

Điểm chung ở các nước này là không khí nhộn nhịp, đông đúc dọc theo các bãi biển, các trung tâm du lịch; các quán xá dày đặc người đến tiệc tùng, các khu vực công cộng như công viên, quảng trường, rạp chiếu phim, các sự kiện tôn giáo chật ních người không mang khẩu trang, thoải mái trò chuyện, ăn uống như thể Covid-19 chưa bao giờ xuất hiện ở nơi này; chính quyền thay vì đưa ra các mệnh lệnh nghiêm khắc ngay từ đầu thì lại đưa ra các lời khuyến nghị theo kiểu làm cũng được, làm thì tốt hơn là không làm… Thật may là, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ; năng lực khoa học kỹ thuật vượt trội để có thể sản xuất vaccine hàng loạt; sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cùng với việc áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc các cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh một cách kịp thời… mà nhiều nước trong số các nước này về cơ bản đã kiểm soát được tình hình. Nhưng dù thế nào đi nữa cũng phải thừa nhận một thực tế là, khi sự tự do, dân chủ, lợi ích cá nhân được đề cao một cách thái quá, vượt ra khỏi những khuôn khổ mang tính kỷ luật cần thiết thì đó cũng là lúc những hệ lụy của đại dịch Covid-19 trở nên vô cùng tồi tệ.

Trung Quốc lại có cách xử lý khi đại dịch Covid-19 xuất hiện theo chiều hướng ngược lại, làm cho phần còn lại của thế giới phải bất ngờ, đó là “đóng băng” toàn bộ vùng dịch. Khi Covid-19 bùng phát lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa gần như ngay lập tức toàn bộ thành phố với hơn 11 triệu dân này trong hơn 2 tháng, tất cả các hoạt động kinh tế trong thành phố đều ngừng lại, mọi người dân được yêu cầu ở yên trong nhà, các phương tiện giao thông biến mất trên các đường phố, Vũ Hán như “một thành phố chết”. Cách thức ứng phó này cho thấy một sự kỷ cương đến mức hà khắc, bên cạnh mặt tích cực là giúp kiểm soát và cô lập nhanh chóng dịch bệnh thì nó cũng gây ra những hệ quả xấu không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến các yếu tố về sức khỏe, tâm lý của người dân. Tất nhiên, ở những giai đoạn sau này, cách thức kiểm soát dịch bệnh trên nền tảng của một sự kỷ luật nghiêm khắc đã được uyển chuyển theo hướng mềm mại và có mục tiêu hơn.

Không giống như Mỹ và các nước phương Tây, cũng không giống cách thức củaTrung Quốc đối phó với cơn khủng hoảng mang tên Covid-19 ở giai đoạn đầu, Việt Nam lại chọn cho mình một cách thức mềm dẻo và linh hoạt. Trong quá trình thực hiện, mục tiêu được xác định rất cụ thể: “vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”, phương châm hành động cũng được định sẵn: 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập và Khai báo y tế), toàn dân cùng tham gia với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Các mức độ phòng, chống dịch bệnh cũng được tiến hành từng bước rất chặt chẽ, từ cách ly y tế đến giãn cách xã hội, phong tỏa một địa bàn nhỏ đến phong tỏa cả một thành phố… trên cơ sở bảo đảm cao nhất mức độ an toàn, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời duy trì các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân, không để ngưng trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng cũng không đánh đổi kinh tế bằng mọi giá trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Chính bởi việc kết hợp hài hòa và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của người dân với giữ vững kỷ cương, kỷ luật ngay từ những ngày đầu đất nước có dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế u ám thời đại dịch (nằm trong top đầu những nước có tăng trưởng kinh tế dương năm 2020); ở Việt Nam không có những “thành phố ma”, không có sự hỗn loạn, lại càng không có những cuộc biểu tình, các ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 được phát hiện nhanh chóng và cách ly kịp thờinhất trong điều kiện có thể.

Hiện nay, trước tình trạng các ca lây nhiễm trong cộng đồng đang lây lan rộng và mạnh đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố phía Nam, đang gây ra những tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, văn hóa -xã hội thì sự cương quyết của các cấp ủy, chính quyền trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng chính là hướng đến mục tiêu bảo đảm quyền lợi của nhân dân ngày càng tốt hơn,và ngược lại, việc thực hiện các quyền dân chủ của mỗi một người dân theo quy định phòng, chống dịch bệnh sẽ góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật, trật tự, an toàn xã hội nói chung. Đây chính là minh chứng cho mối quan hệ tương hỗ giữa bảo đảm tự do, dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ cương, kỷ luật vì một mục tiêu duy nhất là hạnh phúc của nhân dân và cũng là biểu hiện sinh động nhất của ý Đảng quyện lòng Dân. Bất cứ một sự tự do thái quá, vô tổ chức, vô kỷ luật nào đó, dù là nhỏ nhất trong phòng, chống dịch bệnh lúc này cũng có thể trở thành một thảm họa./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyền thuyết bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh... là những truyền thuyết vô cùng nổi tiếng thời vua Hùng.