Giữ gìn nhân phẩm, danh dự người đảng viên hiện nay
Trong các mối quan hệ xã hội, nhân phẩm và danh dự là hai yếu tố tạo nên
giá trị, cốt cách của mỗi người. Nhân phẩm, danh dự, uy tín không bỗng dưng
hoặc trong một chốc lát có được, mà phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn
luyện, dày công vun đắp, được thử thách qua thực tiễn cuộc sống hằng ngày.Với đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng, nhân phẩm, danh dự
và uy tín “là điều thiêng liêng, cao quý nhất” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
đã nhiều lần nhấn mạnh.
1. Từ đầu nhiệm kỳ
Đại hội XI đến nay, liên tục hơn một thập kỷ qua, toàn Đảng, toàn dân ta được
chứng kiến những bước tiến vượt bậc, thành quả to lớn với thay đổi về chất
trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, việc Đảng ta quyết tâm đương
đầu chống “giặc nội xâm”-nạn tham nhũng-một cách quyết liệt, triệt để được các
chuyên gia ví như một cuộc đại chỉnh đốn chưa từng có trong lịch sử xây dựng,
phát triển của Đảng ta.
Đặc biệt, từ đầu
nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ
thị, kết luận về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để
tiếp tục khẳng định quyết tâm làm trong sạch đội ngũ. Trong đó, để tăng cường
kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính
tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến
đấu của tổ chức đảng; không cho lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán
bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ
lợi, tham nhũng, tiêu cực, Trung ương đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW ngày
25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm.
Mặc dù vậy, nhìn vào
những vụ việc vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước của cán bộ, đảng viên bị
phát hiện, xử lý chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay khiến nhiều
người chưa thể yên tâm. Nhất là suốt hơn hai năm qua, trong khi cả nước đang
gồng mình vượt qua đại dịch, lại có không ít trường hợp cán bộ, đảng viên đã
bất chấp liêm sỉ, bất chấp luật pháp và đạo đức xã hội để trục lợi, khiến dư
luận xã hội dè bỉu, phẫn nộ.
2. Chúng ta biết
rằng, có không ít trường hợp cán bộ, đảng viên lúc đương chức, khi phát biểu
trong hội nghị, trả lời báo chí thì tỏ ra mình liêm khiết, chí công vô tư để
đánh bóng uy tín, tên tuổi. Thế nhưng khi tay đã “vấy bẩn” thì những lời phát
biểu ấy càng trở nên lố bịch, làm trò cười cho dư luận. Sự nghiệp chính trị,
danh dự, uy tín mà biết bao nỗ lực, phấn đấu bền bỉ không dễ gì có được cũng
theo đó mà lụi tàn. Thậm chí, những cán bộ, đảng viên “hai mặt” ấy còn làm xói
mòn nghiêm trọng niềm tin nơi quần chúng vào Đảng, bởi họ đều là những người đã
từng một thời được quần chúng hết mực tin yêu. Niềm tin là thứ không dễ gì có
được, nhưng một khi đã đánh mất niềm tin nơi quần chúng thì cũng không dễ gì
lấy lại được.
3. Danh dự làm nên
phẩm hạnh con người, là thước đo giá trị của mỗi người trong xã hội. Với một
người bình thường, danh dự đã là cao quý. Là cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo,
quản lý, danh dự càng cao quý, thiêng liêng. Bác Hồ vẫn thường xuyên nhắc nhở
cán bộ, đảng viên phải luôn giữ gìn, bồi đắp đạo đức, nhân cách. Người căn dặn:
"Hạnh dục phương", nghĩa là đức hạnh, đạo đức phải vuông vắn, ngay
thẳng, không làm điều gì khuất tất. Phải tránh xa những thói xấu “lười biếng,
gian giảo, tham ô”. Phải biết sống “ngay thẳng, không có việc gì phải giấu
Đảng”, “không tham địa vị. Không tham tiền tài”... Đó là phẩm chất, đức hạnh,
danh dự của người cộng sản. Cán bộ, đảng viên phải biết giữ “thanh danh của
Đảng” và “danh giá của mình”.
Trong nhiều bài viết
và nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở, phân tích sâu
sắc về tư cách, đạo đức cách mạng, về liêm sỉ và danh dự của người cán bộ, đảng
viên. Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII
về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ thanh
liêm, giữ liêm sỉ và danh dự của người đảng viên. "Nếu không liêm thì của
gì cũng cả gan lấy. Không sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Người mà đến như
thế không chỉ rước họa làm “thân bại danh liệt” và thử hỏi còn tai họa nào mà
chẳng đến. Huống chi, kẻ làm quan mà cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng
bằng mọi thủ đoạn mà làm thì sao mà thiên hạ không loạn, quốc gia không mất cho
được. Khi không có tài đức mà dám cầm trọng trách để cho cơ đồ tan hoang, đổ
vỡ. Khi mình đã ở cấp lãnh đạo mà không làm cho đạo đức được thi hành, quốc
pháp được tuân thủ. Những người chuyên sống xảo trá, quỷ quyệt, ăn cắp quốc khố
là vô hình trung đã vứt bỏ mất danh dự, liêm sỉ, tức là lòng hổ thẹn của mình
rồi”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Chỉ tính riêng trong
năm 2021, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 390 vụ án và hơn 1.000 bị
can về các tội tham nhũng, chức vụ. Nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến
tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí
thư quản lý đã bị xử lý kỷ luật (tăng 15 trường hợp so với năm 2020). Nhìn vào
số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực
khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Các chuyên gia cho rằng, kết quả chống
tham nhũng, tiêu cực thời gian qua mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”.
Trong nhiều vụ việc, kết quả xử lý những "mảng chìm tiêu cực" mới chỉ
được một phần rất nhỏ.
Những con số nêu ra trên
đây là những trường hợp đã bị phát hiện, xử lý, nhưng trên thực tế, vẫn còn một
phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang tự đánh mất phẩm giá, làm hoen ố danh dự
của người cộng sản. Họ đã không kiên tâm, bền chí nuôi dưỡng, bồi đắp và bảo
toàn danh dự hai tiếng “đảng viên”; không vượt qua được cám dỗ “mồi phú quý, bả
vinh hoa”. Cũng bởi thế, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, trong nhiều bài
viết, bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh
đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên là phải kiên
quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân làm cho không ít cán
bộ nảy sinh căn bệnh tham ô, tư túi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích
tập thể, trên cả lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Những
bài học đau đớn, xót xa từ rất nhiều cán bộ, đảng viên chỉ vì chút lợi ích vật
chất tầm thường mà đánh mất phẩm giá, danh dự, uy tín vẫn còn nguyên giá trị,
là tấm gương để chúng ta tự mình soi chiếu, tự mình suy ngẫm và có hành động
đúng đắn. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải luôn khắc cốt ghi tâm rằng, một khi
đánh mất nhân phẩm và danh dự là mất đi giá trị làm người. Hơn thế, giữ gìn
phẩm giá, danh dự, uy tín của một người đảng viên không chỉ là giữ gìn cho mình
mà đó còn là giữ gìn và bảo vệ danh thơm, tiếng tốt của Đảng một cách bền vững
nhất./.
Nhận xét
Đăng nhận xét