Chó lại sủa trăng !
Theo thông báo của Ban Đối ngoại Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10/2022 đến 2/11/2022. Đây là chuyến thăm của người đứng đầu Đảng ta theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. Thông tin này cũng đã được truyền thông trong nước và quốc tế đồng loạt đưa tin.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chính khách đầu tiên được ông Tập Cận Bình mời thăm Trung Quốc ngay sau khi tái đắc cử Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ mới. Điều này thể hiện Đảng Cộng sản Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ truyền thống với Việt Nam. Bên cạnh đó, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao, nên phía Trung Quốc cũng muốn tăng cường quan hệ ngoại giao với chúng ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận lời mời thăm chính thức Trung Quốc là việc hết sức bình thường trong quan hệ đối ngoại, ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lại xem đây là điều “bất bình thường” nên những ngày qua chúng ra sức xuyên tạc, bịa đặt về mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm này, với những luận điệu hết sức bỉ ổi, vô liêm sỉ!
Có thể nói, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vừa diễn ra có tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế, an ninh, chính trị trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hầu hết các nước, nhất là Mỹ và các nước phương Tây luôn theo dõi sát sao các diễn biến của đại hội để có những dự báo và kịp thời ứng phó với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, là nước láng giềng với Trung Quốc, Việt Nam vẫn duy trì đường lối, sách lược ngoại giao đúng đắn, luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Đặc sắc của trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” là mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; trong đó 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng. Mới đây, ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025; đây cũng là lần thứ hai chúng ta trúng cử vào tổ chức này.
Đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam lên cao đã khiến các thế lực thù định, phản động, cơ hội càng điên cuồng. Từ đó, chúng càng ra sức xuyên tạc, chống phá sự hòa bình, ổn định, vị thế và uy tín của Việt Nam bằng tất cả những trò đê tiện nhất, bỉ ổi nhất. Âm mưu và mục đích của chúng là khích động để Việt Nam thù địch, đối đầu với các quốc gia khác, trông chờ vào sự bảo trợ của nước này để chống nước kia; từ đó biến Việt Nam trở thành “Ukraina thứ hai”.
Lập trường và quan điểm nhất quán của Việt Nam là duy trì và phát triển quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới, trên cơ sở đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Vì vậy, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc, bịa đặt chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp tới, cũng chỉ như “chó sủa trăng” mà thôi!
Nhận xét
Đăng nhận xét