KIÊN ĐỊNH QUAN ĐIỂM, ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG TRONG MỌI ĐIỀU KIỆN, TÌNH HUỐNG

Các thế lực thù địch, phản động chống phá quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng ta không còn là vấn đề mới hay điều gì quá xa lạ. Mỗi khi thế giới, khu vực diễn ra các sự kiện chính trị, chúng lại đua nhau tìm mọi phương cách, không từ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào để chống phá, bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam. Gần đây, lợi dụng cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina, ngay lập tức, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị chống đối lại “thừa nước đục thả câu”, “bới lông tìm vết”,… tung ra những luận điệu xuyên tạc, suy diễn, hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực,… nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, dù cho ngay sau khi sự việc xảy ra, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức về xung đột Nga và Ukraine.

Điều đáng lo ngại là những luận điểm đó lại được một phận không nhỏ cộng đồng mạng cả ngoài nước và trong nước đón nhận với nhiều thái độ, lập trường, tin tưởng mang tính tiêu cực. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả về khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, đánh giá cảm quan, nhìn nhận phiến diện của một bộ phận cộng đồng mạng. Thực tế cho thấy, một bộ phận thể hiện ý kiến, quan điểm bằng tư duy “tay nhanh hơn não”, a dua cổ suý theo phong trào mà không biết đến đúng - sai, trắng - đen, bản chất của vấn đề. Từ đó đã tạo điều kiện cho các quan điểm sai trái, phản động chống phá, xuyên tạc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng ta. Nếu vấn đề này không được phòng chống, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả, sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế nói chung và quá trình triển khai thực hiện quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta nói riêng. Trước yêu cầu cấp thiết đó, đòi hỏi cần luôn kiên định, kiên trì, kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo trong quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả quan điểm, đường lối đối ngoại trong bất cứ tình huống, điều kiện nào. Trong đó, cần tập trung làm tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, khẳng định sự đúng đắn, tính thời đại về quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng ta.

Đây là nội dung, giải pháp quan trọng hàng đầu giúp cho cộng đồng quốc tế cũng như các từng lớp nhân dân trong nước có cái nhìn toàn diện, đúng đắn, khách quan về quan điểm, đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta nhấn mạnh:Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại…”[1]. Để thực hiện có hiệu quả nội dung này cần:

Một là, khẳng định những cơ sở khoa học để Đảng, Nhà nước ta hoạch định đường lối đối ngoại đúng đắn.

Quan điểm, đường lối đối ngoại của Việt Nam là sản phẩm của sự trung thành, kế thừa và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại. Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ tầm quan trọng, tính tất yếu khách quan về công tác đối ngoại, đoàn kết và hợp tác quốc tế để bảo vệ thành quả cạch mạng. Điều đó xuất phát từ chính nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, họ không chỉ giải phóng cho giai cấp, dân tộc mình mà giải phóng cho toàn nhân loại. Muốn thực hiện được sứ mệnh lịch sử, giai cấp công nhân phải mở rộng quan hệ hợp tác, đoàn kết, liên kết với lực lượng của mình ở tất cả các nước trên thế giới. Tinh thần ấy được thể hiện qua khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại; Vô sản tất cả các nước và dân tộc bị áp bức toàn thế giới đoàn kết lại!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại, đặc biệt là sự đúng đắn, tính chính nghĩa, sự linh hoạt, sáng tạo. Người khẳng định: “Sau vấn đề phòng thủ, ngoại giao là một vấn đề cần yếu cho một nước độc lập[2]. Theo Người, công tác đối ngoại phải gắn với độc lập tự chủ, tự lực, tự cường dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì mới bền vững. Những quan điểm, nội dung này luôn được Đảng ta quán triệt, vận dụng, bổ sung, phát triển một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn đặt ra trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng ta luôn kế thừa và vận dụng sáng tạo truyền thống, thực tiễn tiến hành ngoại giao của dân tộc qua các thời kỳ cách mạng. Nền ngoại của chúng ta luôn đề cao chính nghĩa, tâm công, vì hòa bình. Đóngoại giao dùng chân lý và lẽ phải để thu phục lòng người, “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo. Ngoại giao Việt Nam luôn ủng hộ hòa bình, kịch liệt lên án các cuộc chiến tranh phi nghĩa. Chúng ta luôn quán triệt và xây dựng nền ngoại giao độc lập tự chủ, tự lực tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo, luôn nắm chắc thời - thế, biết mình, hiểu người trong từng mối tương quan và hoàn cảnh lịch sử theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Để đảm bảo nguồn lực xây dựng và phát triển ngành ngoại giao, Việt Nam luôn luôn coi trọng nhân tài ngoại giao. Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi danh nhiều nhà ngoại giao tài năng: Lê Văn Thịnh, Đỗ Khắc Chung, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Giang Văn Minh, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm…rồi đến Nguyễn Cơ Thạch (được gọi là Bộ trưởng giải vây của ngoại giao Việt Nam), Lê Đức Thọ (trực tiếp phụ trách đoàn ngoại giao Việt Nam đàm phán với Mỹ về Hiệp định Paris) và đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Kế thừa và phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao hiện nay luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Hai là, tuyên truyền, khẳng định những thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại nước ta, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới.

Một thực tế đáng buồn và khó hiểu, một số thành phần cố tình mù, tự che mắt không thấy được những thành tựu vô cùng to lớn, nổi bật của công tác đối ngoại Việt Nam. Tất cả những thành tựu đó đều xuất phát từ sự đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt của quan điểm, đường lối đối ngoại mà chúng ta đã định ra. Đây vừa là cơ sở thực tiễn đồng thời là minh chứng thuyết phục để cộng đồng quốc tế cũng như trong nước có cái nhìn khách quan, chân thực, toàn diện về quan điểm, đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Cùng với sự đổi mới, phát triển toàn diện của đất nước, sau 37 năm thực hiện đường lối đối ngoại đổi mới, Ngoại giao Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nước ta đã đẩy lùi được tình trạng bị cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế đối, đồng thời mở rộng quan hệ với các quốc gia, kể cả các nước lớn và các trung tâm hàng đầu thế giới.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện; tham gia vào nhiều tổ chức mang tầm thế giới, khu vực, các diền đàn hợp tác kinh tế…(Việt Nam là thành viên của LHQ, WTO, IMF, WB, ASEAN, APEC, ASEM…). Công tác đối ngoại đã giúp Việt Nam đã tranh thủ được môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến năm 2022, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 222/255 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia vào 70 tổ chức quốc tế và khu vực, ký trên 40 hiệp định thương mại song phương. Việt Nam đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư ngoài lãnh thổ, không ngừng phát triển kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2022, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn gần 28 tỷ USD.

Công tác đối ngoại đã góp phần nâng cao vị thế đất nước, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với các tổ chức là thành viên và quốc tế. Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp tích cực vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó có thể kể đến Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể kèm theo, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI)…Chúng ta đã tổ chức thành công các hội nghị lớn như: ASEM năm 2005; APEC năm 2006, 2017; ASEAN năm 1998, 2010, 2020; Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU-132) năm 2015; Hội nghị GMS-6 và CLV-10 năm 2017; Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018); Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019.Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên; Việt Nam được bầu giữ các vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế và khu vực như: Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2010, 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020 - 2021, thành viên Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2017…Đó là những cơ ở khoa học không thể chối cãi để khẳng định sự đúng đắn, khoa học về quan điểm, đường lối đối ngoại của Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử, cụ thể.

Thứ hai, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trước mọi điều kiện đặt ra.

Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng gắn với tình hình thực tiễn mới, đòi hỏi cần quán triệt sâu, kỹ, triển khai thực hiện sáng tạo, có hiệu quả quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tiếp tục nâng cao hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ môi trường hòa bình, ổn định huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín đất nước. Xây dụng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân” [3]. Công tác đối ngoại không có mục đích nào cao hơn, khác hơn là phục vụ đắc lực, hiệu quả cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đảng ta đã chỉ rõ: Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa[4].  Một trong những yếu tố tiên quyết để quán triệt và thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng, Nhà nước đó là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác đối ngoại. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta chỉ rõ: “Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế [5]. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền thường xuyên quán triệt quan điểm chính sách đối ngoại của Đảng, từ đó đề ra các định hướng công tác đối ngoại của cấp mình; tổ chức triển khai và kiểm tra các hoạt động đối ngoại; hướng dẫn công tác đối ngoại và tổ chức chặt chẽ ở các cấp, các ngành. Tiến hành công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại theo định hướng chính trị của Đảng và Nhà nước.

Quán triệt và thực hiện đúng đắn chính sách đối ngoại của Việt Nam với các chủ thể quan hệ quốc tế. Khác xa với sự xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch muốn bôi đen sự đúng đắn, rõ ràng của chính sách đối ngoại nước ta. Việt Nam luôn khẳng định, thể hiện rõ lập trường và đảm bảo thực hiện đầy đủ trên thực tế chính sách đối ngoại của mình đối với từng chủ thể quan hệ quốc tế cụ thể. Do vậy, chúng ta cần quán triệt rõ chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đối với các nước láng giềng, Đại hội XIII của Đảng ta ch rõ:Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng [6]. Tăng cường củng cố và phát triển tình hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt với Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, phù hợp với lợi ích nhân dân hai nước và những biến đổi mới trong khu vực và thế giới, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Xây dựng quan hệ láng giềng hữu nghị với Vương quốc Campuchia. Việt Nam coi việc mở rộng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Trung Quốc là vấn đề chiến lược phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế hoà bình và ổn định ở khu vực và thế giới.

Đối với các nước trong khu vực, trước hết trong quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN, Đảng Nhà nước ta luôn khẳng định là ưu tiên hang đầu, chủ trương tiếp tục đẩy mạnh và nâng lên tầm cao mới quan hệ hợp tác đa phương và song phương với ASEAN và mỗi nước thành viên.  Đại hội XIII nhấn mạnh: “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng với các nước ASEAN xây dựng cộng đồng đoàn kết…”[7]. Bên cạnh đó, Đảng ta chỉ rõ tiếp tục coi trọng phát triển quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương, tranh thủ những tiến bộ khoa học công nghệ, mở rộng quan hệ hợp tác, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ... trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, các bên đều có lợi chống can thiệp và áp đặt.

Quan hệ với các nước anh em, bè bạn truyền thống khác, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, sự hợp tác toàn diện với Cu Ba.Thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ và các nước bạn bè trên thế giới. Khôi phục và đẩy mạnh quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với Liên bang Nga, các nước SNG và các nước Đông Âu, coi đây là những đối tác quan trọng, thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng, có điều kiện và khả năng mở rộng hợp tác và trao đổi trong thời gian tới, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển thuận lợi. Cùng với đó cần đẩy mạnh và tăng cường quan hệ với các nước phát triển, các trung tâm kinh tế-chính trị trên thế giới; Quan hệ với các nước đang phát triển, các đảng phái chính trị, các lực lượng cách mạng trên thế giới; Quan hệ với các tổ chức quốc tế, các diễn đàn thế giới; Phát triển công tác đối ngoại nhân dân, quan hệ với các tổ chức phi chính phủ. Tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới, góp phần thúc đẩy xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển. Làm tốt công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, nhân ái của dân tộc, tập hợp, động viên đồng bào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, xây dựng nền ngoại giao đủ sức, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại của các cơ quan đối ngoại các cấp, các ngành. Nghiên cứu xác định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan đối ngoại rành mạch, rõ ràng.  Bố trí, sắp xếp cơ cấu tổ chức cơ quan hợp lý, tránh chồng chéo, trùng lặp; đề ra phương thức hoạt động của cơ quan đối ngoại nhịp nhàng, thông suốt; phối hợp chặt chẽ hoạt động giữa cơ quan đối ngoại của Đảng với cơ quan đối ngoại Quốc hội, của Chính phủ, của các ngành, các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng - an ninh. Nâng cao năng lực hoạt động đối ngoại của cơ quan đối ngoại các cấp, các ngành phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ song phải toàn diện, đặc biệt là năng lực hoạt động trên lĩnh vực kinh tế đối ngoại, góp phần thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển, chủ động tiếp cận thị trường, thu hút vốn, khoa học - công nghệ hiện đại, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước. Các cơ quan đối ngoại tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu về đối ngoại và công tác kiểm tra thực hiện quan điểm, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, không để bị động, bất ngờ [8]. Đẩy mạnh công tác văn hóa - thông tin đối ngoại, phối hợp hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại một cách chủ động, tích cực…Phát huy vai trò chủ thể và tính năng động của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta xác định: “Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế” [9]. Đội ngũ cán bộ đối ngoại phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành với lợi ích dân tộc, với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có đạo đức cách mạng, ý chí và quyết tâm bảo vệ lợi ích dân tộc và lợi ích cách mạng trong bất kể hoàn cảnh nào. Có kiến thức sâu rộng về quan hệ quốc tế; hiểu biết sâu sắc đối tác, đối tượng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và không ngừng được nâng cao, có trình độ ngoại ngữ thành thạo; có phong cách, phương pháp công tác lề lối làm việc khoa học, sáng tạo, chủ động nhạy bén, cẩn trọng; có khả năng giao tiếp ứng xử khôn khéo. Đảng, Nhà nước và các cơ quan chuyên môn cần làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ làm công tác làm công tác đối ngoại, Sẵn sàng xử lý, miễn nhiệm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ không đủ phẩm chất năng lực hoặc vi phạm các quy định.

Tình hình thế giới, khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; trật tự thế giới đa cực cùng với sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của các chủ thể quốc tế, đặc biệt là các nước lớn đã và đang tạo ra những thuận lợi những không ít thử thách cho chúng ta. Sự thay đổi, chuyển dịch, chuyển hướng trong quan hệ giữa các chủ thể quốc tế là khách quan trước nhiều yếu tố chi phối, nó tạo ra những kết quả, hệ quả rất khó dự báo và dự đoán. Các thế lực thù địch, phản động luôn rình rập, chực chờ những diễn biến phức tạp đó và tìm mọi cớ, sử dụng mọi thủ đoạn để chống phá quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Đứng trước điều kiện thực tiễn đó, chúng ta một mặt luôn quán triệt, kiên định triển khai có hiệu quả quan điểm, đường lối đối ngoại của Việt Nam. Mặt khác, luôn nhạy bén, kịp thời phát hiện, định hướng dư luận, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá quan điểm, đường lối đối ngoại cuả Việt Nam trong bất cứ tình huống, điều kiện, hoàn cảnh nào. Thực hiện tốt điều này góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uý tín, hình ảnh, giá trị của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế và cộng đồng quốc tế, cũng như cũng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr.165.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 8, tr.2.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr.162.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr.62.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr.162.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr.163.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr.163.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr.165.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr.165.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyền thuyết bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh... là những truyền thuyết vô cùng nổi tiếng thời vua Hùng.