Chiến thắng Điện Biên Phủ - biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7-5-1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

69 năm trước đây, từ ngày 13-3 đến 7-5-1954, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Thắng lợi đó được bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thắng lợi của chiến dịch đã giáng đòn quyết định đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia.

Không chỉ là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành lại độc lập, tự do, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam; của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta: đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; của liên minh đoàn kết chiến đấu thủy chung Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia.

Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã mở nhiều chiến dịch lớn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được động viên và phát huy. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh đó đã được phát huy ở mức cao nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Phối hợp với Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta ở khắp các địa phương trên cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu III, Tả Ngạn, đến Bình - Trị - Thiên, Liên khu V, Nam Bộ... đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó.

Lực lượng xung kích của bộ đội ta lợi dụng địa hình địa vật tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam để tấn công và tiêu diệt cứ điểm này thuộc tuyến phòng thủ phía Bắc của địch, ngay trong ngày mở đầu chiến dịch, chiều 13-3-1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Lực lượng xung kích của bộ đội ta lợi dụng địa hình địa vật tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam để tấn công và tiêu diệt cứ điểm này thuộc tuyến phòng thủ phía Bắc của địch, ngay trong ngày mở đầu chiến dịch, chiều 13-3-1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Bên cạnh đó, các lực lượng thanh niên, phụ nữ khắp mọi miền đất nước đều tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh chính trị, “phá tề trừ gian", binh, địch vận..., phối hợp với Điện Biên Phủ.

Trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có.

Trong khi đó, miền Tây Bắc vừa được giải phóng, kinh tế còn chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chính vì vậy, để bảo đảm một khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật cho một chiến dịch lớn chưa từng có và diễn ra dài ngày là điều cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh và trí tuệ của cả dân tộc.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.

Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", tính chung trong chiến dịch, nhân dân ta đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thô, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền” (Theo “Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1954)”).

Ở nhiều nơi do địch đánh phá không làm kịp, để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội, đồng bào đồng ý giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị tự thu hoạch rồi sau ghi số lại.

Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo vào cả ban đêm cho bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Chỉ có sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, đồng bào mới sẵn sàng đóng góp cho chiến dịch như vậy.

Đó là một nỗ lực phi thường thể hiện bản lĩnh của một dân tộc, một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh.

Truyền thống đoàn kết dân tộc, tư tưởng đại đoàn kết trong thời đại Hồ Chí Minh đã được phát huy mạnh mẽ, thể hiện tinh thần cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc.

Bộ đội ta xung phong, tấn công cứ điểm của địch tại sân bay Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát).

Bộ đội ta xung phong, tấn công cứ điểm của địch tại sân bay Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát).

Bên cạnh tinh thần đại đoàn kết và những đóng góp sức người, sức của to lớn cho chiến dịch Điện Biên Phủ, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam còn được thể hiện ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc, đặc biệt là các chiến sỹ xung kích ngoài mặt trận, trực tiếp chiến đấu với quân thù.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch dài ngày, nơi tập trung những nỗ lực cao nhất của cả hai bên. Chính vì vậy, đây là cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ với nhiều mất mát, hy sinh.

Nhưng dưới sự lãnh đạo, giáo dục, tổ chức và rèn luyện của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn sức mạnh tinh thần vô địch của dân tộc đã được khơi dậy, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để chiến thắng kẻ thù.

Chính sách giảm tô, cải cách ruộng đất, đem lại ruộng đất cho nông dân, trong đó có nhiều gia đình cán bộ, chiến sỹ ngoài mặt trận đã khơi dậy lòng biết ơn và niềm tin tuyệt đối của bộ đội vào Đảng, Bác Hồ và thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Đồng thời, thông qua các đợt học tập, chỉnh quân chính trị, phát động căm thù, đặc biệt là sau khi được học tập, quán triệt các mệnh lệnh của cấp trên về tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật chiến trường, thực hiện tốt nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc", tinh thần quyết chiến, quyết thắng được nâng cao trong cán bộ, chiến sỹ, tạo nên ưu thế tuyệt đối về sức mạnh chính trị, tinh thần, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch.

Gần 70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ra vững bước trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyền thuyết bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh... là những truyền thuyết vô cùng nổi tiếng thời vua Hùng.