Tình cảm của Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam

Đất nước ta, dân tộc ta tự hào khi có một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại. Một bậc đại tài, đại trí, đại dũng và vẻ đẹp hơn hết ở Bác đó là một tấm lòng yêu thương con người bao la. Suốt cả cuộc đời Bác là một suối nguồn tình cảm sâu nặng đối với dân tộc; trong đó Bác rất quan tâm và nâng niu quý trọng dành nhiều tình cảm cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Còn nhớ, trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, trong những vấn đề Người quan tâm, Người đặc biệt chú ý đến trẻ em và phụ nữ ở các thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng, Người cho đó là những lớp người khổ nhất trong những người khổ cực. Người căm ghét bọn thống trị luôn "đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người phụ nữ... và xúc phạm tới phong hóa, trinh tiết và đời sống của họ". Mỗi một phụ nữ, một trẻ em bị đánh, bị giết đều làm Người đau đớn. Có gì xúc động hơn, khi thấy nỗi lòng Người đồng cảm với nỗi lòng của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng trong vụ Pháp giết hại những người Việt Nam tại Khám lớn Sài Gòn. Người đau lòng và căm phẫn khi ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn... bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh người phụ nữ bản xứ...

Cùng với hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”, phải cởi trói cho phụ nữ. Đã có câu thơ của Bác thế này:

   “Đàn bà cũng được tự do

   Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền”

Bác đã dõng dạc khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội: Bình đẳng trong cả quyền lợi và nghĩa vụ. Hai câu thơ của Bác mang ý nghĩa “tuyên ngôn nhân quyền” cho giới phụ nữ, để họ có thể tự tin và hồ hởi đi lên cùng dân tộc. Hơn ai hết, Bác Hồ là người thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, thương yêu và tin tưởng phụ nữ; đề cao và phát huy vai trò, tài năng, sức mạnh của phụ nữ. Bác khẳng định, giải phóng phụ nữ đó là một cuộc cách mạng to và khó. Dù to và khó nhưng nhất định thành công. Bác Hồ từng nhấn mạnh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến, khẩu hiệu vừa chiến đấu vừa sản xuất mà Bác và Đảng đề ra được quán triệt và trở thành hành động cụ thể, là việc làm hàng ngày. Bác nêu điển hình trong Thư Bác Hồ gửi Mẹ Nguyễn Thị Đào, một bà mẹ vì nước, vì dân đã hiến dâng tất cả 6 người con cho Tổ quốc:

   “Con đi đi, đi đi con

   Đánh Tây để giữ nước non Lạc Hồng

   Bao giờ kháng chiến thành công

   Con về giúp mẹ vun trồng lúa khoai”.

Lời thơ trong thư của Bác vừa hào hùng mà bình dị làm sao! Đó là lời người mẹ mà cũng là lời non nước, tình nhà nghĩa nước quyện chặt, tiền tuyến hậu phương là một, hiện tại và tương lai kết nối, phơi phới tin yêu. Và rồi, biết bao tấm gương những mẹ, những chị, những em đã góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bác rất tâm đắc và tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Tấm lòng của Bác dành cho phụ nữ Việt Nam thật cảm động, đến nỗi trước khi về với cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc Bác không quên nhắc tới phụ nữ Việt Nam: “Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ". Chỉ thế thôi, nhưng đó vừa là tình cảm tràn đầy, vừa là huấn thị thiêng liêng của Bác.

Để đáp lại tấm chân tình của Bác giành cho thế hệ phụ nữ Việt Nam, các chị đã hiên ngang đứng lên chống giặc cứu nước, giành lấy quyền tự do, quyền bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc. Các chị làm dân công tiếp đạn, tiếp lương thực cho tiền tuyến. Hàng loạt các phong trào nổi tiếng như: "Ba đảm đang", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà". Những tấm gương thề quyết hy sinh để thực hiện sứ mệnh của cách mạng, của Tổ quốc thân yêu: Chị Võ Thị Sáu, các cô gái ở ngã ba Đồng Lộc đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Các chị tuổi vừa mười tám, đôi mươi. Câu nói đầy dũng khí để đời sau noi theo của chị Út Tịch “Còn cái lai quần cũng đánh”. Chị Nguyễn Thị Minh Khai, nữ chiến sĩ tình báo Đinh Thị Vân, nữ tướng Nguyễn Thị Định, đến chị Đặng Thùy Trâm đã hy sinh tuổi xuân của mình cho kháng chiến và ở mảnh đất Kiên Giang chị Mai Thị Nương nguyện quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chị Phan Thị Ràng đến phút cuối cùng cũng quyết bảo vệ đồng đội, trung thành tuyệt đối với Đảng, với lý tưởng cách mạng và còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương anh dũng hy sinh cho Tổ quốc nước nhà.

Thời gian trôi qua mau, chí khí ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị, tiêu biểu cho nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam anh hùng và ngập tràn lòng yêu nước. Lịch sử luôn có những giai đoạn thăng trầm nhưng giá trị xã hội của phụ nữ luôn được khẳng định và chính họ đã góp phần tạo nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong những năm qua, không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Bác, chị em phụ nữ cả nước đã ra sức học tập, rèn luyện, vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Không chỉ là những người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình, nhiều phụ nữ đã đạt được những thành tích nổi bật, được xã hội ghi nhận trong nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ… góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20 - 10 là cơ hội để chúng ta thể hiện những tình cảm dành cho Bác Hồ kính yêu và là dịp để tôn vinh những đóng góp to lớn của phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử. Ðể phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và Hội Liên hiệp Phụ nữ cần phối hợp, tạo điều kiện hơn nữa để phụ nữ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng chính là thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện di nguyện của Người về phụ nữ Việt Nam.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyền thuyết bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh... là những truyền thuyết vô cùng nổi tiếng thời vua Hùng.