VUI, BUỒN TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG
Theo lẽ tự nhiên, năm mới đến, chúng ta ai cũng nghĩ về niềm vui, những điều tốt đẹp với hy vọng một năm vạn sự cát tường.
Nhưng có những niềm vui lại mang đến cho ta nỗi buồn, sự suy nghĩ, trăn trở. Âu đó cũng là lẽ thường, bởi không có buồn sao chúng ta cảm nhận được niềm vui.
Vui vì giờ đây phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thực sự trở thành xu thế không thể đảo ngược; ngày càng có nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện, xử lý với quy mô phạm tội, tính chất phức tạp, số bị can, số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt liên tục lập kỷ lục mới.
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đến nay đã khởi tố 108 bị can, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm bị cáo buộc rút hơn 1 triệu tỉ đồng từ SCB, qua đó chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 498.000 tỉ đồng.
Vụ án liên quan đến Công ty Việt Á đã khởi tố 133 bị can, hậu quả thiệt hại được xác định là hơn 1.200 tỉ đồng…
"Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" mà Đảng ta chỉ ra từ nghị quyết trung ương 4 khóa XI đến nay đã được nhận diện ngày càng rõ hơn, đầy đủ hơn, không còn chung chung, vô hình như trước đây.
Và đáng mừng là hầu hết trong số họ đều tỏ ra ăn năn, hối lỗi, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân, xin lỗi người thân trong gia đình, dù là muộn màng.
Từ đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã giúp cán bộ, đảng viên, công chức biết giữ giới hạn, nhớ điều cấm, ý thức rõ hơn về trách nhiệm, bổn phận "phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân", làm việc cẩn trọng hơn; kỷ luật, kỷ cương được siết chặt; niềm tin của nhân dân được củng cố, tăng cường.
Đó là những giá trị lớn, vô hình nhưng bền vững đối với một Đảng cách mạng chân chính, nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và chúng ta đang nỗ lực dựng xây.
Tuy nhiên từ kết quả đó, dư luận và tâm trạng xã hội cũng đặt ra nhiều điều suy nghĩ, trăn trở, đôi khi lấn át cả niềm vui.
Tại sao nhiều sai phạm xảy ra từ rất lâu, có cơ hội phát triển từ nhỏ thành lớn, từ đơn lẻ thành hệ thống, có tổ chức, công quỹ bị một bộ phận cán bộ hư hỏng đục khoét, chiếm đoạt trong một thời gian dài nhưng đến nay mới bị phát hiện, xử lý, để lại những hậu quả khôn lường, vượt xa sự tưởng tượng của nhiều người, thậm chí "không thể khắc phục được" như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương qua kiểm tra tại Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương mới đây?
Trách nhiệm của người đứng đầu, của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các ngành, lĩnh vực xảy ra sai phạm thời gian qua thế nào? Tại sao pháp luật của chúng ta được đánh giá là tương đối đầy đủ mà vẫn xảy ra nhiều sai phạm?
Công tác cán bộ được tiến hành với rất nhiều bước, nhiều khâu, nhiều quy trình, nhưng tại sao vẫn có nhiều cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao sai phạm, và có sai phạm xảy ra ở trước thời điểm thực hiện quy trình bổ nhiệm?
Nhận thức của nhiều cán bộ lãnh đạo trước cơ quan xét xử chưa tương xứng với chức vụ mà họ từng nắm giữ, cố tình bao che, ngụy biện khi tưởng rằng số tiền rất lớn mà doanh nghiệp đưa họ là "quà cảm ơn".
Liệu còn nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm nhưng chưa bị phát hiện?
Những băn khoăn, trăn trở đó là hoàn toàn chính đáng. Hành trình vươn tới mục tiêu "bốn không": không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng, tiêu cực còn rất dài và không ít gian nan, cam go, thử thách; đòi hỏi phải rất kiên trì, kiên quyết, không vì những kết quả đạt được mà bỏ qua, không chú trọng đến những câu hỏi đặt ra nêu trên.
Nhận xét
Đăng nhận xét