THUẬT NGỤY BIỆN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRONG
CHỐNG PHÁ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
HIỆN NAY
Tóm tắt bài viết: Thuật ngụy biện là thủ đoạn cơ bản của các thế lực
thù địch trong chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Để vạch trần thuật ngụy biện
đó cần nắm vững những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; nhận diện đúng nguồn gốc, bản chất, quy luật và bám sát
diễn biến thông tin liên quan đến các quan điểm chống phá; nâng cao kiến thức cơ bản về lôgic học và sử dụng
thành thục các thao tác chứng minh, bác bỏ; quán triệt, thực hiện tốt các quy định
trong bảo vệ nền tảng tư tưởng. Qua đó, góp phần nâng cao tính chiến đấu, tính
hiệu quả, tính thuyết phục trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Để phủ nhận,
xuyên tạc một tư tưởng đúng đắn nào đó, một trong những cách hiệu quả nhất là sử
dụng thuật ngụy biện. Trong thực tế có những điều ban đầu tưởng như đúng đắn
song khi nghiên cứu kỹ, lại thấy điều đó là sai lầm. Và đó là hệ quả do thuật
ngụy biện gây ra. Thực chất thuật ngụy biện là cố tình mắc lỗi lôgic để che mờ
chân lý, biến đúng thành sai, hoặc biến sai thành đúng. Từ đó, làm cho người tiếp
nhận thông tin trở nên mơ hồ, tin theo sai lầm, phủ nhận chân lý, có thái độ,
hành vi ủng hộ những điều giả dối. Vì vậy, thuật ngụy biện đã được các thế lực
thù địch thường xuyên sử dụng trong chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thuật
ngữ “ngụy biện” ra đời cùng với quá trình lập luận, tranh luận của con người. Ngụy
biện là “cố ý dùng những lý lẽ bề ngoài có vẻ đúng nhưng thật ra là sai, để rút
ra những kết luận không đúng sự thật”[1].
Trong Tiếng Anh, ngụy biện (fallacy) có nghĩa là “ảo tưởng, sự sai lầm”. Theo
triết học Mác - Lênin, thuật ngụy biện là một phương pháp luận sai lầm. Đó là,
trong quá trình nhận thức, cải tạo thực tiễn chủ thể quan tâm đến nhiều mặt,
nhiều thuộc tính, nhiều mối liên hệ của sự vật, hiện tượng song lại xem những mặt,
những thuộc tính, những mối liên hệ không cơ bản, không bản chất, không tất yếu
là những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản, bản chất, tất yếu. Từ
đó, không nhận thức đúng bản chất sự vật, hiện tượng, không cải tạo được thực
tiễn và gây ra những hậu quả không mong muốn.
Trong
Lôgic học, ngụy biện là một trường hợp khi chủ thể cố tình vi phạm quy luật,
quy tắc lôgic trong quá trình tư duy, tranh luận từ đó biến sai thành đúng, hoặc
biến đúng thành sai để giành phần thắng. Người ta sử dụng thuật ngụy biện khi
quá trình tranh luận không đủ luận cứ khoa học để chứng minh, từ đó dùng ngụy
biện để phủ nhận, xuyên tạc chân lý, hoặc chuyển tranh luận sang một luận điểm
khác làm cho tranh luận không có hồi kết, làm cho đối phương mơ hồ, không đi đến
nhận thức đúng đắn, nhất quán.
Sử dụng thuật ngụy biện không phải là
một thủ đoạn mới trong chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin. Ngay trong các giai đoạn
hình thành, phát triển của chủ nghĩa Mác những kẻ xét lại đã sử dụng thuật ngụy
biện để phủ nhận, xuyên tạc. Tiêu biểu như Đuyrinh (1833 - 1921), nhà triết học
chiết trung, nhà kinh tế học tầm thường người Đức, với triết học duy tâm chủ
quan đã sử dụng thuật ngụy biện để xuyên tạc triết học Mác. Ông ta cho rằng triết
học Mác là “cũ rích”, là “phi khoa học”, là sự “nhắc lại chủ nghĩa Hêghen và
làm mới chủ nghĩa Phoiơbắc”. Điều này đã đặt ra yêu cầu cấp bách đối với việc bảo
vệ, phát triển chủ nghĩa Mác và định hướng cho phong trào công nhân lúc bấy giờ.
Trong hoàn cảnh đó, Ph. Ăngghen đã viết tác phẩm “Chống Đuyrinh” - tác phẩm bút chiến mẫu mực về hình thức, có
tính từ điển bách khoa về nội dung. Trong tác phẩm Ph. Ăngghen đã vạch
trần việc Đuyrinh sử dụng thuật ngụy biện để chống phá triết học Mác, khi Đuyrinh
đã “gán cho Mác những điều hoàn toàn do ông Đuyrinh bịa đặt ra. Một con người
hoàn toàn không có khả năng trích dẫn một cách đúng đắn” [2].
Trong điều kiện lịch sử mới, trước yêu
cầu bảo vệ, phát triển triết học Mác do sự chống phá của chủ nghĩa duy tâm phản
động, nhất là sự xuất hiện của chủ nghĩa Makhơ, năm 1908, V.I. Lênin đã viết
tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” - tác phẩm luận chiến thể hiện sự kiên định
lập trường mácxít trong những thời điểm đầy thách thức, khó khăn của cách mạng
Nga, là sự đóng góp lớn của V.I. Lênin vào sự phát triển triết học Mác. Trong
tác phẩm, khi phê phán những người theo chủ nghĩa Makhơ như Ph. Blây,
Bô-gđa-nốp, X. Xu-vô-rốp, V.I. Lênin đã vạch trần thuật ngụy biện của chúng: “Bản chất
chung của họ là đứng trên lập trường duy tâm chủ quan để “sửa chữa”,“phát triển”
triết học Mác bằng cách xuyên tạc, dùng lời lẽ sáo rỗng, thuật ngữ giả danh mác
xít, dùng các học thuyết phản duy vật để giả làm chủ nghĩa Mác một cách tinh vi”.
Theo V.I. Lênin: “Thật là trẻ con nếu nghĩ rằng bịa ra một từ mới, là có thể
tránh được những trào lưu triết học cơ bản… Thưa các ngài, triết học của các
ngài chỉ là chủ nghĩa duy tâm đã uổng công che đậy trần trụi của chủ nghĩa duy
ngã của mình bằng một thuật ngữ “khách quan” hơn” [3].
Ngày nay, chủ nghĩa xã hội đang lâm vào thoái trào, chủ
nghĩa tư bản đã điều chỉnh thích nghi và còn khả năng phát triển, cùng với những
sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo của Đảng, lợi dụng sự phát triển
của khoa học công nghệ và mạng xã hội các thế lực thù địch đã ra sức công phá nền
tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, chúng sử dụng rộng rãi thuật ngụy biện để
xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối,
quan điểm của Đảng. Mặc dù rất tinh vi, thâm độc song xét về bản chất nó vẫn là
những tư tưởng giả dối, bịa đặt, xuyên tạc, không có cơ sở khoa học, dung chứa
mâu thuẫn lôgic và vi phạm quy luật, quy tắc tư duy. Tuy nhiên, nó lại có ảnh
hưởng tiêu cực và gây hậu quả lớn khi không được nhận diện, bác bỏ. Bởi lẽ, khi
sử dụng thuật ngụy biện các thế lực thù địch đã che mờ bản chất khoa học, cách
mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của
Đảng thay vào đó là những tư tưởng sai lầm, mơ hồ, duy tâm, phản khoa học. Đặc
biệt, khi mà quần chúng nhân dân với trình độ nhận thức khác nhau, khó có thể
tìm ra được những sai lầm, những lỗi lôgic trong các tư tưởng đó, rất dễ tin
theo, hoặc hoài nghi nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với nhiều phương thức chống
phá khác của chúng rất dễ làm quần chúng nhân dân mất phương hướng, suy giảm niềm
tin, từng bước có thái độ, hành vi phản đối nền tảng tư tưởng của Đảng, ủng hộ
hệ tư tưởng của các thế lực thù địch.
Hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng thường xuyên, rộng
rãi thuật ngụy biện trong chống phá nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của
Đảng, trong đó tập trung vào một số phương thức chủ yếu:
Một là, cố tình tiếp cận phiến
diện, một chiều các nguyên lý, các quy luật, các phạm trù trong nền tảng tư tưởng
của Đảng, quy những cái ngẫu nhiên, hiện tượng thành tất nhiên, bản chất để chống
phá.
Trong nhận thức, để xem xét, đánh giá một hệ thống lý
luận nào đó cần phải có quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể, trong
xu hướng phát triển và gắn với thực tiễn. Chỉ có thế mới đủ cơ sở để đưa ra những
nhận định khoa học về hệ thống lý luận đó. Tuy nhiên, các thế lực thù địch với
mục đích bóp méo, phủ nhận chân lý thì hoàn toàn ngược lại. Chúng luôn tiếp cận
phiến diện, một chiều cố tình lảng tránh những dấu hiệu bản chất, tập trung vào
những cái ngẫu nhiên, hiện tượng để quy kết hệ thống lý luận mácxít là phi khoa
học, lỗi thời, lạc hậu, đường lối, quan điểm của Đảng là sai lầm.
Chẳng hạn, khi không thể phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng
của hệ thống tri thức chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng đã chuyển sang tấn công vào
những nhận định của các nhà kinh điển mácxít mà không tính đến điều kiện, hoàn
cảnh lịch sử cụ thể. Năm 1916, khi viết tác phẩm “Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn
tột cùng của chủ nghĩa tư bản”, trong điều kiện chủ
nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, đã bộc lộ đầy đủ bản
chất mâu thuẫn và phản động của nó. Cho nên với một chế độ xã hội đầy rẫy bất
công và mâu thuẫn gay gắt như vậy thì sớm muộn gì cũng sẽ bị thay thế. Vì vậy, V.I. Lênin, đã đưa ra nhận định:
Chủ nghĩa tư bản trong cơn giãy chết sẽ tự đào mồ chôn nó. Đây là nhận định đúng
đắn trong điều kiện lịch sử lúc đó. Ngày nay, “để thích ứng với điều kiện mới,
chủ nghĩa tư bản thế giới đã ra sức tự điều chỉnh thúc đẩy các chính sách “tự
do mới” trên quy mô toàn cầu, nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng phát triển” [4], các thế lực thù địch đã cố
tình cho rằng nhận định của V.I. Lênin là sai lầm. Từ đó, chúng tự kết luận: Chủ
nghĩa Mác - Lênin là sai lầm. Cũng tương tự như vậy, khi không thể trực tiếp phủ
nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng đã cố tình khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác -
Lênin không phải là nguồn gốc quyết định sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua
đó, gián tiếp hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và từng bước đi đến hạ thấp,
phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là cách lừa gạt tinh vi, “một sự ngụy biện
trắng trợn để bác bỏ sự thống nhất biện chứng tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa
Mác - Lênin. Từ đó, tạo ra sự ngộ nhận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng
nhân, gây mất niềm tin đối với cả tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác -
Lênin” [5].
Khi đánh giá đường lối đổi mới của Đảng,
chúng đã không xét trên bình diện tổng thể mà đi vào những hiện tượng để đi đến
quy kết đường lối của Đảng là sai lầm. Dựa vào thực tiễn lịch sử và thành tựu
toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đất nước sau 35 năm đổi mới, Đại hội
XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực,
vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [6]. Tuy
nhiên, các thế lực thù địch đã từ các sự kiện riêng lẻ, xoáy sâu vào những hạn
chế, thiếu sót của ta trên một số lĩnh vực để làm luận cứ phủ nhận khẳng định
trên.
Hai là, đánh tráo khái niệm để xuyên tạc, phủ nhận
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.
Để thể hiện tư tưởng,
con người buộc phải dùng khái niệm và thông qua khái niệm. Tuy nhiên, yêu cầu đặt
ra là, việc sử dụng các khái niệm để diễn đạt tư tưởng trong tranh luận phải luôn
giữ nguyên nghĩa của nó với những dấu hiệu nội hàm đã xác định, không được sử dụng
các khái niệm khác để thay thế. Xét về mặt ngôn ngữ thể hiện khái niệm (từ, cụm
từ) có thể không thay đổi nhưng nếu các dấu hiệu nội hàm của nó đã thay đổi thì
đã vi phạm quy tắc lôgic. Tức là, đã đánh tráo khái niệm. Thực tế các thế lực
thù địch đã sử dụng chiêu trò này khá phổ biến.
Khi sử dụng khái niệm “chủ nghĩa xã hội” chúng đã bỏ các dấu
hiệu bản chất và đưa vào đó những dấu hiệu hoàn toàn trái ngược như: Mất dân chủ,
độc tài toàn trị; nhân dân không có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; quyền
con người không được bảo đảm; mất tự do báo chí, tự do ngôn luận; nền kinh tế
kém phát triển;… Hoặc khi yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho những kẻ vi phạm
pháp luật Việt Nam khi có âm mưu, hành vi chống phá Đảng, Nhà nước ta chúng đã
đưa ra các khái niệm “Tự do”, “Dân chủ”, “Nhân quyền” mà nội hàm của nó bao gồm
những dấu hiệu vô lý: “Dân chủ vô chính phủ”, “Dân chủ cao hơn chủ quyền”, “Lợi
ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”,… Hoặc khi nói về khái niệm “Kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà chúng ta đang xây dựng, chúng đã
đánh tráo sang khái niệm “Kinh tế tư bản chủ nghĩa”. Chúng cho rằng không có
khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà theo chúng đó chính
là khái niệm “Kinh tế tư bản chủ nghĩa”. Thực chất, đây là sự cố tình đồng nhất
hai khái niệm có nội hàm khác nhau, để từ đó quy kết Đảng ta đã “xoay trục sang con đường phát triển tư bản
chủ nghĩa”.
Ba là, thêm, bớt, làm sai lệch dấu hiệu nội hàm của các
phạm trù, các khái niệm trong nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng.
Như trên đã đề cập, trong quá trình diễn đạt tư tưởng,
tranh luận một trong những yêu cầu là các khái niệm phải được sử dụng chính
xác, được giữ nguyên nghĩa với những dấu hiệu nội hàm xác định, không được thay
đổi hoặc thêm bớt, làm sai lệch dấu hiệu nội hàm của nó. Nếu không tuân thủ yêu
cầu này sẽ dẫn tới vi phạm quy luật đồng nhất. Tức là, làm cho nó không còn
nguyên nghĩa và khi đó nó đã phản ánh sai đối tượng ban đầu. Từ đó, làm cho tư
tưởng, khái niệm ban đầu bị sai lệch, bị bóp méo, bị xuyên tạc. Trong quá trình
chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng các thế lực thù địch đã thường xuyên thêm,
bớt, làm sai lệch dấu hiệu nội hàm của khái niệm, phạm trù của chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.
Chẳng hạn khi xuyên tạc về học thuyết
giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng đã cố tình cho
rằng học thuyết đó đã tuyệt đối hóa vai trò của đấu tranh giai cấp, là “chủ
nghĩa chia rẽ, cực đoan”, “kích động chiến tranh, cổ vũ bạo lực”, bằng cách lược
bớt dấu hiệu nội hàm khái niệm “động lực phát triển xã hội có giai cấp” theo
quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tế, khi khẳng định vai trò đấu tranh
giai cấp là động lực trực tiếp của phát triển xã hội có giai cấp C. Mác không
coi nó “là động lực duy nhất, ngoài động lực này như C. Mác đã từng chỉ ra, còn
một loạt động lực khác như sự phát triển của lực lượng sản xuất, nhu cầu, lợi
ích, lý tưởng, khoa học - kỹ thuật,…” [7].
Trong phạm trù “đấu tranh giai cấp”,
“bạo lực cách mạng” chúng đã đưa thêm các dấu hiệu nội hàm là: Khủng bố, gây rối,
bạo loạn, phá hoại xã hội,… Trong các tác phẩm của mình, C. Mác và Ph. Ăngghen đều
khẳng định đấu tranh giai cấp là một quá trình tất yếu, khách quan của xã hội có áp bức
giai cấp, là những cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân lao động chống lại
giai cấp thống trị, bóc lột. Nguyên nhân của cuộc đấu tranh giai cấp này bắt
nguồn từ những mâu thuẫn về lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế không thể điều hòa
được giữa các giai cấp. Cuộc đấu tranh này có ý nghĩa cách mạng sâu sắc, nhằm
xóa bỏ chế độ xã hội cũ lỗi thời, xây dựng chế độ xã hội mới tiến bộ hơn. Và bạo lực cách mạng là “bà đỡ” nhằm xóa bỏ
chế độ xã hội cũ lỗi thời, xây dựng chế độ xã hội mới tiến bộ hơn. Với dấu hiệu
nội hàm như vậy, thì phạm trù “đấu tranh giai cấp” của C. Mác có giá trị to lớn
để đưa xã hội phát triển ngày càng hoàn thiện, không phải là phá hoại, cổ súy bạo
lực như các thế lực thù địch rêu rao. Hay, khi
xuyên tạc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề con người, chúng đã cố
tính bỏ dấu hiệu nội hàm về mặt sinh học và quy kết C. Mác đã tuyệt đối hóa mặt
xã hội của con người nên đưa ra kết luận, triết học Mác - Lênin đã không quan
tâm đến nhu cầu thiết yếu của đời sống con người.
Đến Đại hội XIII, có thể khẳng định lý
luận về kinh tế thị trường của Đảng ta đã tiến một bước dài, hình thành quan điểm
khá đầy đủ và toàn diện về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam. Điểm mấu chốt nhất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự
lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì mục
tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên, các thế lực
thù địch đã xuyên tạc, phủ nhận điều này bằng cách bỏ dấu hiệu sự lãnh đạo của Đảng
và sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Và theo chúng kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là “vẽ rắn thêm chân”, là sự
“kết hợp miễn cưỡng”, kinh tế thị trường là phải “tự do tuyệt đối”.
Hiện nay, với việc sử dụng rộng
rãi, phổ biến thuật ngụy biện trong chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng các thế
lực thù địch đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, niềm
tin của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên. Do đó, cần có biện pháp vạch trần,
ngăn chặn, đẩy lùi hành vi của của chúng.
Một là, nắm vững những vấn đề cơ bản của của chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.
Đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng
hàng đầu của các chủ thể trong đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.
Chỉ có trên cơ sở nắm vững những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là những phạm trù, khái niệm với
những dấu hiệu nội hàm cụ thể thì mới có thể nhận thức rõ bản chất ngụy biện của
các thế lực thù địch, mới thấy được chúng đã chống phá ở quan điểm nào, khái niệm,
phạm trù gì, ở dấu hiệu nội hàm nào. Mới có thể sử dụng những quan điểm của chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng làm luận
cứ khoa học và tổ chức luận chứng chứng minh, bác bỏ một cách thuyết phục.
Hai là, nhận diện đúng nguồn gốc, bản
chất, quy luật và bám sát diễn biến thông tin liên quan đến các quan điểm chống
phá của các thế lực thù địch.
Đây là cơ sở quan trọng để xác định nội
dung, hình thức, biện pháp đấu tranh hiệu quả. Bảo đảm đấu tranh “trúng”,
“đúng” đối tượng, ngăn chặn, khắc phục được hậu quả mà các quan điểm sai trái,
phản động gây ra, kịp thời định hướng tư tưởng cho quần chúng nhân dân. Đặc biệt,
cần nghiên cứu, phân tích kỹ để làm rõ bản chất quan điểm, quy luật chống phá của
các thế lực thù địch trong điều kiện tốc độ lan truyền thông tin nhanh do sự
phát triển khoa học công nghệ và mạng xã hội. Điều này, có thể sẽ gây ra những
hậu quả khó lường, nhất là sự chống phá, kích động liên tục, trên diện rộng. Vì
vậy, nhanh chóng, chính xác, kịp thời là một trong những yêu cầu trực tiếp quyết
định đến hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay. Chỉ có như vậy, với năng
lực đấu tranh của các chủ thể và sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật hiện đại mới
có thể vạch trần thuật ngụy biện, cũng như các thủ đoạn khác của các thế lực
thù địch đã thực hiện.
Ba là, nâng
cao kiến thức cơ bản về lôgic học và thực hiện thành thục thao tác chứng minh,
bác bỏ.
Thuật ngụy biện thực chất là sự cố tình vi phạm
quy luật, quy tắc lôgic. Nắm chắc những kiến thức cơ bản về lôgic học là điều
kiện quan trọng để phát hiện ra các lỗi lôgic trong các quan điểm, các lập luận
của các thế lực thù địch, từ đó có cơ sở để vạch trần, phê phán và bác bỏ chúng.
Thực hiện thành thục các thao tác chứng minh, bác bỏ giúp chủ thể có thể lựa chọn
các luận cứ, tổ chức các luận chứng để chứng minh tính đúng đắn của chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và bác bỏ các
quan điểm sai trái của các thế lực thù địch theo đúng quy luật, quy tắc lôgic. Từ
đó, nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu, tính hiệu quả, tính thuyết phục
trong đấu tranh tư tưởng, lý luận. Tránh được những sơ hở để các thế lực thù địch
lợi dụng để xuyên tạc, phủ nhận.
Bốn là, quán
triệt, thực hiện tốt các quy định trong bảo vệ nền tảng tư tưởng.
Điều này bảo đảm cho quá trình đấu
tranh luôn đúng hướng, không tạo ra kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, chống phá,
xuyên tạc, bóp méo, lật lọng, sử dụng thuật ngụy biện. Thực tế, các thế lực thù
địch đã thường xuyên lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, xoáy sâu vào các lỗi
kỹ thuật, lỗi diễn đạt, hoặc việc thông tin chưa chuẩn xác, chưa đầy đủ, chưa
được kiểm duyệt trong các bài nói, bài viết, các video, clip của ta, từ đó ra sức
sử dụng thuật ngụy biện. Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận
việc tuân thủ đúng các nguyên tắc, quy định là một vấn đề đặc biệt quan trọng.
Như vậy, sử dụng thuật ngụy biện là một
thủ đoạn cơ bản của các thế lực thù địch trong chống phá nền tảng tư tưởng của
Đảng. Để vạch trần thuật ngụy biện của các thế lực thù địch đòi hỏi các chủ thể
đấu tranh phải nhận diện đúng nguồn gốc, bản chất, quy luật, diễn biến thông
tin liên quan đến các quan điểm chống phá. Đồng thời phải có trình độ cơ bản về
lý luận chính trị, kiến thức lôgic học, thành thạo thao tác chứng minh, bác bỏ
và thực hiện tốt các quy định trong đấu tranh. Từ đó, góp phần nâng cao tính
chiến đấu, tính hiệu quả, tính thuyết phục trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng.
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
1.
Ban Tuyên giáo Trung ương (2021), Một số vấn đề lý luận và thực
tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Dư luận
trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
2.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,
Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tập I, II.
3. Hội Đồng
Lý luận Trung ương (2017), Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu
tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” về chính trị trong Đảng”, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
4. Hội Đồng
Lý luận Trung ương (2017), Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư
tưởng cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Nxb Chính trị Quốc gia
sự thật, Hà Nội.
5. C. Mác và Ph.
Ăngghen (2002), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc
gia sự thật, Hà Nội, tập 20.
6. V.I. Lênin
(2005): Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia
sự thật, Hà Nội, tập 18.
[1] Trung tâm Từ điển học,
Vietlex (2015), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr. 1092.
[2] C. Mác và Ph. Ăngghen (2002): Toàn tập, Nxb Chính trị
Quốc gia, Hà Nội, tập 20, tr. 187 - 188.
[3] V.I. Lênin (2005): Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia,
Hà Nội, tập 18, tr. 56.
[4] Ban Tuyên giáo
Trung ương (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Dư luận trong nước và quốc tế về
bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), Nxb Chính trị
Quốc gia sự thật,
Hà Nội, tr. 12.
[5] Hội Đồng Lý luận Trung ương (2017), Phê
phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng cương lĩnh, đường lối của
Đảng Cộng sản Việt Nam”, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 90.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, tập II, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 322.
[7] Hội Đồng Lý luận Trung ương (2017), Phê
phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng cương lĩnh, đường lối của
Đảng Cộng sản Việt Nam”, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 11.
Nhận xét
Đăng nhận xét