Học giả Trung Quốc:

Thất bại trong vụ kiện biển Đông - nỗi nhục quốc gia


TP - Thái độ hành xử, lập trường của Trung Quốc tiếp tục bị các học giả Trung Quốc lên tiếng phê phán. Dương Quang, một nhà nghiên cứu ở Đại lục đã viết bài nhan đề “Chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về nỗi nhục quốc gia trong vụ kiện biển Đông” đăng trên tạp chí Tranh Minh (Hong Kong) số tháng 8/2016. TPCN trích dịch một số nội dung chính để bạn đọc tham khảo.
Mặc dù phán quyết của tòa trọng tài quốc tế bác “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng  chính phủ Philippines ngày 3/8 buộc phải khuyến cáo người dân nên tránh bãi cạn Scarborough đang bị Trung Quốc chiếm đóng để khỏi bị quấy rối.Mặc dù phán quyết của tòa trọng tài quốc tế bác “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng chính phủ Philippines ngày 3/8 buộc phải khuyến cáo người dân nên tránh bãi cạn Scarborough đang bị Trung Quốc chiếm đóng để khỏi bị quấy rối.
Phán quyết PCA đánh trúng chỗ yếu hại của Trung Quốc
“Sau ba năm rưỡi, vụ kiện biển Đông đã khép lại ngày 12/7. Chính phủ Philippines đã thắng 14 trong số 15 nội dung họ kiện Trung Quốc, gần như toàn thắng. Phía Trung Quốc thua toàn diện. Kết quả phán quyết xấu vượt quá sự tưởng tượng của đại đa số người Trung Quốc, thật là xấu đến mức không thể xấu hơn”… Học giá Dương Quang cho rằng: Phán quyết PCA đã đánh trúng 3 điểm yếu hại của Trung Quốc:
Thứ nhất, tính hợp pháp của cái gọi là “Đường 9 đoạn” đã bị PCA thẳng thừng phủ nhận. Phán quyết PCA cho rằng, “không có chứng cứ nào cho thấy trong lịch sử một mình Trung Quốc có quyền khống chế đối với vùng nước này và tài nguyên của nó” và “cho dù Trung Quốc có quyền lợi lịch sử ở mức nào đó đối với tài nguyên trong vùng nước biển Đông, nhưng các quyền lợi đó cũng bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). Phán quyết này có hiệu lực “rút củi đáy nồi” đối với chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông. Do đó, mọi chủ trương quyền lợi của Trung Quốc bỗng chốc trở nên như sông không có nguồn, cây chẳng có gốc.
Thứ hai, với phán quyết của PCA liên quan đến địa vị của các cấu trúc tại Trường Sa, những đảo nhân tạo mà Trung Quốc dùng tiền người đóng thuế tạo nên như Su Bi, Vành Khăn…đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, Trung Quốc trở thành kẻ ngốc, mất cả gốc lẫn lãi, trở thành người tạo đảo hộ người khác.
Thứ ba, tất cả những hành động của Trung Quốc sử dụng trong tranh chấp biển Đông đều bị Tòa cho là phi pháp. Theo ông Dương Quang, “hình ảnh Trung Quốc ở biển Đông chính là kẻ vô lại, gây sự vô lý, ỷ mạnh hiếp yếu, xây dựng không phép và tìm cớ gây sự”.
Thất bại trong cuộc chiến ngoại giao và bôi đen
Vào dịp PCA ra phán quyết, chính phủ Trung Quốc đã phát động hết cỡ cuộc chiến ngoại giao và bôi đen. Từ các lãnh đạo cao cấp nhất cho tới các đại sứ ngoại giao ở nước ngoài đều lợi dụng mọi cơ hội để dẫn dắt, lôi kéo, thậm chí mua chuộc chính phủ nước ngoài bày tỏ “ủng hộ” chính sách biển Đông của Trung Quốc. Theo báo chí chính thống, có tới 60 - 70 nước “ủng hộ” Trung Quốc,  mặt trận có vẻ khả quan, tuy đại đa số là các nước nhỏ ở châu Phi và Trung Đông. Thế nhưng, sau khi phán quyết đưa ra, Mỹ, Nhật, Australia, các nước EU tới tấp phát biểu đốc thúc Trung Quốc tôn trọng luật quốc tế, chấp hành phán quyết của Tòa, mà chẳng thấy bất cứ một quốc gia nào ra tuyên bố tỏ rõ tán thành việc Trung Quốc coi phán quyết của Tòa là “mảnh giấy lộn”. Cuộc chiến ngoại giao được phát động vội vã này rõ ràng đã thất bại.
Còn về cuộc chiến bôi đen, Trung Quốc châm biếm Tòa án trọng tài quốc tế là “cơ cấu gà rừng” (ý nói không hợp pháp), Tòa trọng tài thường trực là “gánh hát rong” mà quên đi rằng Tòa án trọng tài quốc tế còn có lịch sử lâu đời hơn cả LHQ. Trung Quốc từ thời Dân quốc đến Cộng sản đều nhiệt thành tham gia vào các sự vụ của Tòa. Thứ trưởng ngoại giao Lưu Chấn Dân chỉ trích vô lý cựu Chánh án Tòa án trong tài quốc tế Shunji Yanai tự mình chỉ định 5 trọng tài viên (quan tòa), còn nói họ nhận tiền của Philippines, thực ra đó đều là những việc đúng trình tự quy định ở Điều 3, 7 của Phụ lục 7 UNCLOS.
Các phương tiện truyền thông chính thống Trung Quốc còn “như ong vỡ tổ” bịa ra “thuyết âm mưu” công kích Mỹ điều khiển Philippines “diễn kịch”, ngầm thao túng Tòa; nhưng thật bất hạnh, những sự công kích đó đều vô chứng cứ, thể hiện sự không tôn trọng tối thiểu đối với cơ cấu quốc tế và chính phủ nước khác.
Nỗi nhục quốc gia
Thất bại trong vụ kiện biển Đông là nỗi nhục quốc gia, là thất bại ngoại giao nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại hội 18. Thực tế, đây không chỉ là thất bại ngoại giao mà còn là thất bại chính trị; không chỉ là thất bại về lĩnh vực tư pháp quốc tế, mà còn là thất bại về chiến lược biển, chiến lược khu vực và chiến lược toàn cầu ở vào thời điểm then chốt, khu vực then chốt.
Học giả Dương Quang cho rằng: Nếu Trung Quốc vẫn cứ đối xử với phán quyết của Tòa bằng thái độ ngạo mạn, miệt thị thì quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN; ảnh hưởng và khả năng tham gia vào các công việc của khu vực Đông Á, châu Á - TBD; quan hệ với Mỹ, phương Tây, thậm chí địa vị Trung Quốc có được trong hơn 30 năm qua có nguy cơ mất sạch.
Nguồn: http://www.tienphong.vn/the-gioi/that-bai-trong-vu-kien-bien-dong-noi-nhuc-quoc-gia-1035767.tpo

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyền thuyết bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh... là những truyền thuyết vô cùng nổi tiếng thời vua Hùng.