Tháng 7 âm lịch - tháng của tình yêu nhân gian


Tháng 7 âm lịch không hiểu sao nhân gian có thật nhiều cảm xúc với những cung bậc tình yêu để nhớ, để thương, để khóc, để cười...
Thường nhân gian hay ví mùa xuân là mùa tình yêu, nhưng với người phương Đông thì có một tháng theo lịch mặt trăng, tháng của chớm vào thu, tháng 7, được xem như tháng của tình yêu cõi hồng trần nhân thế.

Tháng 7 lịch mặt trăng không hiểu sao nhân gian có thật nhiều cảm xúc với những cung bậc tình yêu để nhớ, để thương, để khóc, để cười...

Không biết đã có tự bao giờ và trải qua bao nhiêu những tháng 7 mặt trăng, một câu chuyện tình yêu đẫm nước mắt của lòng thủy chung đợi chờ, của một ngày sum họp và ly biệt làm tan chảy bao trái tim nhân gian hàng ngàn đời nay, như một biều tượng tình yêu thủy chung vừa đẹp vừa đau đớn.

Huyền thoại Ngưu Lang - Chức Nữ.

Đau đến đá cũng tan chảy thành nước, đến cảm động lòng trời, để nước mắt Thiên đình rớt xuống trần gian cả tuần lễ không ngưng, thần tiên cũng bồi hồi xao xuyến mà sai khiến những thiên thần áo đen bắc cầu Ô Thước qua sông Ngân Hà, cho hồng trần chứng kiến khoảnh khắc trăm năm hạnh phúc dồn lại một ngày,

Đẹp đến thấu tâm can cả nhân thế cùng rưng rưng những châu lệ, để các tao nhân mặc khách cầm - kỳ- thi- họa tác tạo thành bao nhiêu áng văn thơ trác tuyệt, những danh họa truyền kỳ lưu từ đời này sang đời khác, những khúc nhạc tình say đắm mà bi thương muôn thuở đọng mãi ở nhân gian…

Tháng 7, một câu chuyện mang tính triết lý về chữ Hiếu của phương Đông rất phàm trần mà có sức mạnh vô biên cảm hóa thu phục trái tim cả ba cõi. Cái tâm thành của những người con hiếu thảo từ ngàn xưa bình dị mà có thể rung cảm được lòng người sâu xa, để nhân gian luôn soi mình trong “Nhị thập tứ hiếu”- 24 tấm gương hiếu thảo, sống cho trọn vẹn tình thương yêu với các đấng sinh thành, dưỡng dục... tỏ lòng hiếu kính công cha nghĩa mẹ bằng biểu tượng đẹp nhất của tình yêu là những bông hồng màu đỏ màu trắng cài trên ngực áo trong Lễ Vu Lan...

Tháng 7, một câu chuyện khác đầy huyền hoặc hư ảo cõi thực cõi mê, cõi âm cõi dương trùng phùng trong không gian giữa Đạo - Đời, để vương vấn thương nhớ, để tạo thiện phúc trừ ác lai, để hỉ - xả với tấm lòng từ - bi bác ái với mọi người. Và mở lòng từ xót thương đến cả những linh hồn vất vưởng bằng những chén cháo lá đa, những hạt muối nắm gạo, bánh trái sản vật cõi trần... trong Lễ Xá tội vong nhân.

Chợt như vẫn thoang thoảng đâu đó câu thơ thấm đẫm tình yêu chúng sinh nhân loại, không phân biệt kẻ khó người sang của Đại thi hào Nguyễn Du trong “Văn tế thập loại chúng sinh”: “Còn chi ai quí ai hèn/ Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?/ Tiết đầu thu lập đàn giải thoát/ Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi/ Muôn nhờ đức Phật từ bi/ Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương…”

Trần gian cũng lạ, tháng 7 lịch mặt trăng, bao cảm xúc miên man trong chữ Tình.

Thương cảm cho mối tình thần thoại Ngưu Lang- Chức Nữ, để luôn chúc phúc cho họ muôn đời bất tử. Bày tỏ tấm tình hiếu thảo khôn nguôi với công cha như núi, nghĩa mẹ như nước nguồn, như một tình yêu bất tận không chỉ mùa Vu Lan báo hiếu. Và hướng lòng thiện lương quảng đại cầu siêu giải thoát cho hàng triệu linh hồn cũng là để cho tâm tịnh, thân nhàn, thanh thản cõi thế, làm việc thiện tạo phúc nhân gian./.
Tháng "cô hồn" chưa từng có trong phong tục người Việt
Tháng "cô hồn" chưa từng có trong phong tục người Việt
Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, rằm tháng 7 người Việt chỉ có lễ Vu lan báo hiếu và xá tội vong nhân chứ không có tháng 'cô hồn', người dân không phải kiêng cữ như lời đồn.
Theo Hoài Hương/VOV
Nguồn:http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/843801/thang-7-am-lich---thang-cua-tinh-yeu-nhan-gian

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyền thuyết bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh... là những truyền thuyết vô cùng nổi tiếng thời vua Hùng.