Ðể nền kinh tế bứt tốc sau dịch Covid-19
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) tổ chức ngày 9-5 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh: Khi giãn cách xã hội được nới lỏng, "nhịp đập" xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải cùng xắn tay vào cuộc, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN với tinh thần cải cách, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, nêu cao trách nhiệm với đất nước.
Mới có 2,9% số DN nhận được hỗ trợ
Trước khó khăn của đại dịch, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khó khăn DN, người dân và nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Theo kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH - ÐT), 88% số DN đánh giá các nhóm giải pháp Chính phủ ban hành theo Chỉ thị 11/CT-TTg là phù hợp, nhất là các giải pháp không tăng giá các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước kiểm soát giá trong quý I, II hay miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng,... Tuy nhiên, quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế. Bộ trưởng KH - ÐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, DN càng nhỏ, càng gặp khó khăn lại càng khó tiếp nhận các chính sách hỗ trợ. Ðến cuối tháng 4, mới chỉ có 2,9% số DN chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách; 21,2% số DN biết tới chỉ thị, được hướng dẫn nhưng chưa tiến hành thực hiện; 64,6% số DN biết chính sách hỗ trợ nhưng chưa có đầu mối để tiếp cận,... Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, điều mong muốn nhất của cộng đồng DN lúc này là các cơ quan, tổ chức thúc đẩy thực thi nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã ban hành. Vì "một miếng khi đói bằng một gói khi no", hỗ trợ sớm sẽ giúp DN thêm cơ hội sống sót, chậm một ngày DN có thể sẽ không còn và lúc đó biện pháp nào cũng không còn tác dụng. Chính sự minh bạch, đơn giản hóa để rút ngắn nhất thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính sẽ là giải pháp bền vững cho DN. Bên cạnh đó, giải ngân khoản đầu tư công khoảng 30 tỷ USD (700 nghìn tỷ đồng) "tiền tươi, thóc thật" đang nằm trong "túi" của các bộ, ngành và địa phương có thể tạo ra cú huých quan trọng để nền kinh tế phục hồi tốt sau dịch. Phát huy vai trò của thể chế, bảo đảm huy động được tổng lực các nguồn lực xã hội, không có lý do gì, chúng ta không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP hơn 5% trong năm nay như mục tiêu Chính phủ đặt ra.
Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân kiến nghị: Hiện 28 quỹ bảo lãnh tín dụng trên cả nước chỉ có tổng nguồn vốn 1.450 tỷ đồng, quá nhỏ so với nhu cầu của cộng đồng DN, nhất là trong bối cảnh cần nguồn lực lớn để phục hồi sau dịch Covid-19. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính, con người cho các quỹ này, đồng thời, giảm bớt thủ tục bảo lãnh cho vay để chia sẻ với ngành ngân hàng. Các dự án đầu tư công cần giảm bớt thủ tục đấu thầu, chia nhỏ các dự án để DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa có cơ hội tham gia. Bên cạnh việc giảm thuế VAT, miễn thuế thu nhập DN cho các DN nhỏ, siêu nhỏ trong năm 2020 hay miễn thuế môn bài cho các hộ kinh doanh, Chính phủ cần thúc đẩy khai thác thị trường nội địa, phát huy tốt tinh thần "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Ðức Thọ cho biết, thời gian qua, VietinBank và các ngân hàng thương mại (NHTM) đã triển khai nhiều chương trình tín dụng thiết thực với lãi suất thấp hơn nhiều so trước khi có dịch, đồng thời giảm mạnh phí dịch vụ. Ðến hết tháng 4, VietinBank đã giải ngân cho hàng nghìn khách hàng gặp khó khăn với doanh số hơn 130 nghìn tỷ đồng, lãi suất cho vay giảm từ 2 đến 2,5%. Trong năm 2020 này, VietinBank dự kiến dành 3.000 đến 4.000 tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí dịch vụ, chia sẻ khó khăn với khách hàng. Tuy nhiên, chính ngành ngân hàng cũng gặp khó khăn do khách hàng sụt giảm khả năng trả nợ đến hạn, tăng nguy cơ phát sinh nợ xấu. Trong khi đó, sự hỗ trợ về lãi suất và phí dịch vụ về bản chất là chia sẻ của các NHTM từ nguồn vốn tự huy động, cắt giảm chi phí hay lợi nhuận. Do đó, ngân hàng rất cần sự đồng hành, chia sẻ của DN cùng các giải pháp hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ. Các DN cần xây dựng, triển khai các dự án thật sự khả thi, tập trung nguồn lực để thực hiện có kết quả, cân đối được nguồn trả nợ; phối hợp chặt chẽ các ngân hàng, minh bạch tài chính, chứng minh khó khăn, thiệt hại để đúng đối tượng hỗ trợ, không trục lợi chính sách. Các DN cũng cần tận dụng cơ hội để cấu trúc lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, tăng cường tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ và minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở xem xét các hình thức thay thế việc thế chấp tài sản khi vay vốn. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn tự có cho các NHTM nhà nước để có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế, giúp DN vượt qua khó khăn cũng như đón đầu các cơ hội mới sau dịch bệnh; tăng hiệu quả đầu tư công bằng việc phối hợp chặt chẽ giữa lĩnh vực ngân hàng với kế hoạch - đầu tư - tài chính để các ngân hàng có thể tham gia một cách chủ động vào quá trình này.
Nhiều cơ hội mới
Tín hiệu đáng mừng là uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Bộ KH - ÐT đánh giá, đây là "cơ hội vàng" để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về "sự tin cậy chiến lược", là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Không những vậy, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc kiểm soát tốt dịch bệnh ở Việt Nam đã tạo lợi thế rất lớn để có thể đi trước một bước trong công cuộc phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị trí mới trên trường quốc tế.
Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) N.Au-đi-ơ nhận định, các biện pháp mạnh mẽ chống dịch Covid-19, bao gồm các biện pháp y tế cộng đồng kịp thời và các gói hỗ trợ kinh tế hiệu quả đã đưa Việt Nam trở thành hình mẫu chống Covid-19 trên thế giới. Ðiều này đã giúp Việt Nam giữ được đà tăng trưởng kinh tế, tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời cũng giúp duy trì niềm tin của cộng đồng DN châu Âu rằng Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, cạnh tranh về kinh doanh. Có thể thấy, Việt Nam hiện đang có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội đầu tư kinh doanh mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế ổn định. Tuy nhiên, việc thực hiện các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế là cũng rất cần thiết lúc này bởi Việt Nam là thị trường đang trên đà phát triển, phụ thuộc lớn vào nhu cầu toàn cầu. Trong khi đó, dù dịch Covid-19 tại Việt Nam đã từng bước được đẩy lùi, nhưng nhiều quốc gia khác bao gồm cả những nền kinh tế phát triển vẫn chưa qua đỉnh dịch. Ðiều cần thiết là Việt Nam không chỉ bảo vệ DN trong nước mà còn cần hỗ trợ DN nước ngoài - một động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, nhất là hoạt động xuất khẩu khi dịch Covid-19 được kiểm soát và hoạt động thương mại toàn cầu trở lại bình thường. Với việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các DN châu Âu mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với EU.
Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Trương Ðình Hòe cho biết, dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng ngành thủy sản cũng đang chứng kiến nhiều cơ hội mới khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Ðó là các quốc gia xuất khẩu thủy sản cạnh tranh chính với Việt Nam như Ấn Ðộ, Ê-cu-a-đo,... đang phải phong tỏa, cách ly chống dịch, giảm đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Các nước này sẽ có độ trễ hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất sau dịch để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Ðây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam. Trong khi đó, hiện chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho nuôi trồng và chế biến thủy sản trong nước hầu như không còn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản đang có cơ hội phát triển tốt tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các DN thủy sản chủ động hơn trong sản xuất. Cùng với đó, nhu cầu thực phẩm trên thế giới, trong đó có thủy sản theo dự báo sẽ tăng mạnh sau dịch. Ðể hỗ trợ các DN bắt kịp cơ hội nói trên, Vasep kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm, ngư dân khai thác biển để có thể thực hiện ngay từ tháng 5 này việc thả lại tôm, khai thác biển nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7, tháng 8 tới khi có cơ hội lớn về thị trường. Ngoài ra, thiếu lao động đang là mối lo ngại đối với cộng đồng DN trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ thủy sản. Vì vậy, Chính phủ cần ban hành, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ để DN thu hút được nguồn lao động (hỗ trợ an sinh cho người lao động qua các gói chính sách; các gói cho DN vay để trả lương,…). Song song việc thúc đẩy EVFTA sớm có hiệu lực để các DN tranh thủ tăng cường tiêu thụ thủy sản ở thị trường EU rộng lớn, Chính phủ cũng cần có các giải pháp để tăng sức cạnh tranh cho ngành nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh các nước trong khu vực đang có giá thành nuôi tốt hơn. Cụ thể, mở rộng thêm tín dụng cho xây dựng trại nuôi mới; khuyến khích các công nghệ nuôi tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và giảm dịch bệnh; có chính sách về ưu đãi và hỗ trợ phát triển nguồn giống;...
Trong khủng hoảng do dịch bệnh như hiện nay, Chính phủ cần tập trung hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn, trong đó có DN, nhưng nên tập trung ưu tiên các nhóm dễ bị tổn thương như DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, DN khởi nghiệp. Những hỗ trợ Chính phủ đưa ra chỉ nên theo hướng giúp DN tự đứng trên đôi chân của mình, không được tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ. Quan trọng hơn là việc điều hành kinh tế sau dịch cần triển khai với tinh thần tập trung cao độ, quyết liệt, đồng lòng trong các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Trần Bá Dương
Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Group
|
Nhận xét
Đăng nhận xét