Học lễ nghi, đạo đức từ văn chương
Phải chăng, bên ngoài lớp học, thầy trò thường giao tiếp với nhau trên mạng xã hội nên học sinh ngày nay quên đi chuyện “thưa”, “dạ”?
Nhìn lại những tác phẩm trữ tình trong nền văn học Việt Nam, ta thấy thấp thoáng đâu đó những câu ca dao dân ca, những câu thơ, bài thơ… chẳng những có giá trị thẩm mỹ mà còn có giá trị đạo đức sâu sắc.
Đừng để “thảng thốt nhận ra”!
Từ xa xưa, người Việt đã có ý thức giáo dục cộng đồng về đạo đức, lễ nghĩa, khát vọng xây đắp một xã hội vừa công bằng, vừa mẫu mực. Để nhắc nhở con cái phải nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ca dao có câu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn
chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Người xưa đã dùng hình ảnh “núi Thái Sơn” và “nước trong nguồn” để đối sánh với “công cha”, “nghĩa mẹ”, từ đó nhắn nhủ con cái phải biết kính trọng, tôn thờ đấng sinh thành suốt cả cuộc đời. Kẻ làm trái đạo hiếu sẽ chẳng bao giờ “nên người” dù có giàu sang hay công thành danh toại.
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du có nhiều câu thơ mang tính giáo dục đạo đức và lễ nghi theo hướng truyền thống gắn liền với đạo lí dân tộc. Chẳng hạn: “Nhớ ơn chín chữ cao sâu”. “Chín chữ” ấy được dịch từ “cửu tự cù lao”, có gốc Kinh thi - bao gồm: “Sinh” (đẻ), “cúc” (nâng đỡ), “súc” (nuôi, cho bú mớm), “trưởng” (nuôi lớn), “dục” (dạy dỗ), “cố” (trông nom), “phục” (khuyên răn), “phúc” (che chở) - để nói về công lao của cha mẹ.
Cùng nói về đạo làm con, bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy cũng có những dòng thơ mang tính giáo dục sâu sắc:
Mẹ là cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ, mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?
Rõ ràng, người mẹ chính là lẽ sống ở đời của đứa con, là ngọn nguồn của tình yêu thương và nuôi dưỡng. Người mẹ cũng là biểu tượng của sự cống hiến cao quý, đó là dòng sữa ngọt ngào chảy ra từ bầu sữa nóng nuôi con lớn lên tự những ngày ấu thơ, đó là tiếng hát à ơi ru con trên cánh võng những trưa hè oi ả lặng yên.
Tình yêu thương và sự chăm chút ấy được truyền từ đời này sang đời khác, từ bà sang mẹ từ mẹ sang con. Thế hệ đi sau bao giờ cũng phải biết ơn thế hệ đi trước.
Đến khi trưởng thành, nhất định đứa con phải là điểm tựa vững chắc cho cha mẹ ở tuổi xế chiều. Nhưng, dẫu đứa con có khôn lớn, có trưởng thành thế nào thì “vẫn là con của mẹ - Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con” (“Con cò” - Chế Lan Viên). Bao la là thế! Cao thượng đến thế! Hỏi sao những người con không ghi lòng tạc dạ suốt đời cho được?
Bởi vậy, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã tự cảm rằng:
Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo
một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra
mình mất mẹ...
Tâm trạng đó cũng chính là tâm trạng chung của mỗi chúng ta. Thế nên ta phải biết yêu thương, quý trọng đấng sinh thành. Vì thời gian là dòng chảy xuôi chiều và tháng ngày trôi đi lặng lẽ nhưng vô cùng vội vã. Đừng để chúng ta phải nói “giá như”, “ước gì” ngay trong khoảnh khắc biệt li…
Quên tiếng “dạ”, “thưa”...
Dân tộc ta từ xưa đến nay có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, người thầy có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người, đồng thời nghề giáo cũng được xem là một trong những nghề cao quý nhất trong xã hội.
Nhiều câu ca dao chẳng những nhắc nhở thế hệ học trò nhớ ơn người thầy mà còn khuyên răn các bậc phụ huynh phải kính trọng người đã nâng đỡ con họ trên con đường tri thức và đạo đức. Đối với học trò, ca dao có câu:
Mấy ai là kẻ không thầy
Thế gian thường nói đố mày làm nên.
Đối với phụ huynh, có câu:
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Khi cuộc sống hiện đại, đời sống được nâng cao, các sản phẩm điện tử công nghệ cao như máy vi tính, smartphone… xuất hiện, chuyện lễ nghi trong nhà trường cũng dần bị lơ là.
Phải chăng, bên ngoài lớp học thầy trò thường giao tiếp nhau trên mạng xã hội qua tin nhắn nên học sinh cũng quên đi chuyện khoanh tay, gật đầu, quên đi “thưa”, “dạ”, vì thế mà các lễ nghi ấy dần bị đánh mất.
Đầu óc non nớt của học trò chưa phân định rõ ràng nên dễ để sự thân thiết qua mạng xã hội đánh mất tính thiêng liêng của mối quan hệ thầy trò cũng như hình ảnh người thầy.
Người Việt Nam ta xem trọng lời chào cũng như thường chào nhau mỗi lần gặp gỡ. Trẻ nhỏ khoanh tay gập người chào người lớn. Bạn bè vẫy tay thay tiếng chào.
Cố nhân mỗi dịp gặp nhau là “tay bắt mặt mừng”. Lời chào vì thế mà “cao hơn mâm cỗ”. Một lời chào lịch sự hay một lời nói đàng hoàng thấu tình đạt lí không phải là điều khó khăn, nó góp phần khẳng định giá trị của con người, duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong giao tiếp xã hội. Ca dao có câu:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Hay:
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người không nói tiếng dịu dàng
dễ nghe.
Người Việt Nam xưa nay vốn xem trọng lễ nghi trong mọi hoàn cảnh giao tiếp. Ở mỗi lứa tuổi, người Việt có những chuẩn mực giao tiếp, ứng xử khác nhau mà cái cốt lõi quy chiếu mọi giá trị con người chính là lễ nghi và đạo đức.
Ngày nay, giữa bối cảnh hối hả, nhịp sống gấp rút như vũ bão khiến vấn đề đạo đức lễ nghi bị thờ ơ hoặc xói mòn. Vì vậy, giữa lúc lời ăn tiếng nói của số đông giới trẻ đang xuống cấp thì những câu ca dao mang tính giáo dục nhân cách ấy lại càng có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nhận xét
Đăng nhận xét