Một nghiên cứu thú vị, sâu sắc về làng mạc châu thổ
Cuộc nghiên cứu thứ nhất là về "Làng Mông Phụ" (xã Đường Lâm, Hà Nội) do Viện Dân tộc học (thuộc tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), cùng Viện Nghiên cứu Ðông Nam Á và Thế giới Nam Đảo (LASEMA, thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của Pháp, CNRS) thực hiện vào đầu thập niên 1990.
Cuộc nghiên cứu thứ hai là "Làng ở vùng châu thổ sông Hồng" (1996-1999) do ba tổ chức khoa học Pháp và Việt Nam chủ trì: Văn phòng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Các bài về làng Mông Phụ đã được in trong cuốn Mông Phụ, un village du delta du fleuve Rouge (Nguyễn Tùng (chủ biên), Paris: L'Harmattan, 1999, 349 trang).
Còn những bài về ba làng Tả Thanh Oai, Mộ Trạch và Đông Ngạc thì được đăng trong cuốn Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ (Philippe Papin, Olivier Tessier (chủ biên), Hà Nội: NXB Lao Động-Xã Hội, 2002, 742 trang).
Nhận thấy các bài viết trên thực sự hữu ích cho các độc giả quan tâm đến làng xã người Việt, nhất là làng xã truyền thống, vì thế, Nguyễn Tùng sửa chữa, bổ sung và tập hợp trong cùng một cuốn sách "Làng mạc ở châu thổ sông Hồng" để độc giả, những người thích tìm hiểu và nghiên cứu về lĩnh vực này tìm đọc.
Bạn đọc có thể tham khảo cuốn sách thông qua mục lục cụ thể như sau:
Vài tâm đắc về làng xã Việt Nam
I. Làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, Hà Nội)
Từ tổng đến xã: lãnh thổ và bản sắc
Tổ chức chính trị và xã hội
Tổ chức không gian
Biến đổi kinh tế
Từ nội sang ngoại: Từ vựng thân tộc
Gia đình mở rộng hay gia đình hạt nhân
Cưới hỏi ở làng quê
Ẩm thực ở làng quê: từ bữa ăn hằng ngày đến bữa tiệc
II. Ba làng Tả Thanh Oai, Mộ Trạch và Đông Ngạc
Về không gian làng
Họ, dòng họ và không gian hôn nhân ở Tả Thanh Oai, một làng ngoại ô Hà Nội
III. Chợ làng
Ba chợ làng ở châu thổ sông Hồng
Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski từng làm việc lâu năm trong ngành nhân học ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của Pháp (CNRS), chuyên nghiên cứu về Việt Nam, là tác giả của nhiều bài nghiên cứu được đăng trong một số tạp chí khoa học ở Pháp cũng như ở Việt Nam, đặc biệt trong các cuốn: Autour du riz, le repas chez quelques populations d'Asie du Sud-Est (Xung quanh cơm, bữa ăn nơi vài cộng đồng ở Đông Nam Á) (Nelly Krowolski (chủ biên), Paris: L'Harmattan, 1993); Mông Phụ, un village du delta du fleuve Rouge (Mông Phụ, một làng ở châu thổ sông Hồng) (Nguyễn Tùng (chủ biên), Paris: L'Harmattan, 1999); Từ Đông sang Tây (Nguyễn Tùng (đồng chủ biên), Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng, 2005)…
Sau khi về hưu, Nguyễn Tùng đã dịch một số sách do NXB Tri Thức xuất bản như Luận về biếu tặng của Marcel Mauss, Xã hội diễn cảnh của Guy Debord, Định chế Tôtem hiện nay của Claude Lévi-Strauss…
Một buổi tọa đàm xoay quanh cuốn sách "Làng mạc ở châu thổ sông Hồng"của tác giả Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski được tổ chức tại Thư viện Viện Pháp (24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào ngày Thứ Tư (17/06/2020, lúc 18h00).
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển; GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội và GS Chu Hảo, Nguyên Giám đốc NXB Tri Thức với vai trò MC.
Nhận xét
Đăng nhận xét