Phát triển kinh tế dựa trên bản sắc Việt Nam
Trong khi nhiều nước vẫn phải căng mình chống chọi với dịch Covid-19 thì Việt Nam đang là điểm đến an toàn. Cuộc sống bình thường đang diễn ra ở Việt Nam là niềm mơ ước của người dân nhiều quốc gia khác.
Góp phần vào thành công của công tác chống dịch Covid-19 có đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp. Khi dịch Covid-19 đang cao điểm, Chính phủ yêu cầu ngành nông nghiệp bằng giá nào cũng phải đảm bảo cung cấp đủ lương thực và thực phẩm. Một đất nước gần 100 triệu dân, nếu có đại dịch xảy ra mà không đảm bảo lương thực và thực phẩm thì rất nhiều hệ lụy sẽ xảy ra. Trong khi các ngành công nghiệp xây dựng, dịch vụ, du lịch suy giảm mạnh do ảnh hưởng bởi Covid-19 thì ngành nông nghiệp lại đóng vai trò cứu cánh trong thời điểm khó khăn. Đây không phải là lần đầu tiên nông nghiệp đóng vai trò sứ mệnh của mình.
Kỳ tích chống Covid-19 của Việt Nam đang được cả thế giới ngợi ca một phần xuất phát từ cội nguồn từ bản sắc văn hóa Việt Nam: từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ tinh thần nhường cơm sẻ áo, một miếng khi đói bằng một gói khi no, thương người như thể thương thân của người dân Việt Nam. Kết quả là mọi quyết định của Đảng, Nhà nước và mỗi người dân đều xuất phát từ tính nhân văn, từ nhu cầu đạo lý làm người: chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống dịch và Thủ tướng Chính phủ ra lệnh “chống dịch như chống giặc”, “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”... thì cả triệu người Việt Nam trên dưới một lòng đoàn kết chống dịch. Chính bản sắc văn hóa đó đã soi đường và dẫn chúng ta đến thành công.
Dân tộc ta đã, đang và sẽ có một sức mạnh vô địch, đó là văn hóa. Khai thác và phát huy có hiệu quả tài nguyên vô giá này, không chỉ giúp dân tộc Việt Nam trường tồn mà còn giúp đất nước ta phát triển mạnh mẽ, không tụt hậu trong khu vực và trên thế giới. Văn hóa không chỉ là sức mạnh mềm mà văn hóa còn là nguồn vật chất lớn lao để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở những nước có truyền thống văn hóa lâu đời và đặc sắc như Việt Nam. Chính ngành văn hóa cùng với các ngành công nghiệp khác (dược, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch) là những nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn, hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đưa ra khái niệm “kinh tế văn xã” như một khái niệm, cách gọi mới và cho rằng, đây là một lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh rất lớn. Đầu tư kinh tế văn xã sẽ thu được lợi ích kép, cả về kinh tế, xã hội và an sinh. Điều lớn lao nữa là xây dựng được hình ảnh đất nước ta trên trường quốc tế, trở thành một thương hiệu quốc gia đặc sắc, có giá trị vật chất đặc biệt của riêng Việt Nam. Văn hóa cũng được xem là nguồn lực chiến lược để phát triển đất nước ta trong thế kỷ XXI.
Mỗi khi đất nước đứng trước những thử thách lớn thì lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cùng với những giá trị tốt đẹp nhất của mấy nghìn năm văn hiến lại được bùng lên, giúp chúng ta chiến thắng. Lịch sử các cuộc chiến tranh trước đây và bây giờ là cuộc chiến chống giặc Covid-19 đã chứng minh điều đó. Hơn bao giờ hết, tinh thần đó cần tiếp tục được khơi dậy, nhân lên để Việt Nam cải thiện vị thế của mình trên trường quốc tế ở tất cả các lĩnh vực. Năm 2020 là năm cả nước tổng kết 5 năm giai đoạn 2016-2020 và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Đây cũng là thời điểm xây dựng chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn những năm tới.
Từ thực tiễn đất nước, chúng ta cần xây dựng chiến lược toàn diện phát triển kinh tế - xã hội lấy bản sắc văn hóa bản địa cũng như nông nghiệp bền vững làm gốc; cần nghiên cứu lựa chọn đầu tư các ngành kinh tế văn xã là trụ cột, làm khâu đột phá để phát triển đất nước trong kế hoạch kinh tế - xã hội 10 năm tới và những năm tiếp theo. Song song với đó là các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp một cách mạnh mẽ, đột phá hơn để nông nghiệp tiếp tục thể hiện được vai trò quan trọng, là bệ đỡ trong phát triển kinh tế.
Nhận xét
Đăng nhận xét