Tỉnh táo nhận diện, đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa xét lại
Trong lịch sử, ngay từ lúc Mác, Ăngghen và Lênin còn sống, những người theo chủ nghĩa
xét lại đã xuất hiện, mà biểu hiện của nó là vẫn chấp nhận các lý tưởng cùng nền
tảng lý luận cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng phê bình những luận điểm của Mác,
Lênin về cương lĩnh, chiến lược và sách lược cách mạng... mà họ cho là không
còn phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trên thế giới và ở từng nước. Từ đó, họ cho rằng các
hình thức đấu tranh nghị trường được sử dụng rộng rãi, mâu thuẫn cơ bản của
CNTB sẽ dịu đi và vì vậy, không cần đấu tranh xóa bỏ sự bóc lột của tư bản chủ
nghĩa, mà chỉ cần sự thâm nhập hòa bình của khuynh hướng XHCN là thực hiện được
mục tiêu xóa bỏ áp bức, bóc lột. Hoặc,
họ lập luận rằng, những
thứ như tự do chính trị, dân chủ, quyền công dân trong CNTB sẽ loại bỏ tính tất
yếu đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân. Vì thế, mục tiêu cuộc đấu tranh
của giai cấp công nhân là thiết lập dân chủ tư sản, cải cách CNTB, điều hòa xung
đột giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân.
Dù tên gọi, biến tướng có khác nhau nhưng tựu trung, chủ
nghĩa xét lại có hai khuynh hướng chính. Chủ nghĩa xét lại “tả khuynh” tìm cách
đánh tráo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin bằng những quan điểm vô chính
phủ, duy ý chí có tính tiểu tư sản, phủ nhận tính tất yếu đấu tranh chính trị của
giai cấp công nhân, phủ nhận vai trò của đảng cộng sản và chuyên chính vô sản.
Chủ nghĩa xét lại “hữu khuynh” thì đòi bác bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, muốn thay thế
những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin bằng những quan điểm, cải cách tư sản.
Đặc điểm cơ bản của những người
nhiễm tư tưởng xét lại là khi phong trào cách mạng có tính bước ngoặt, thì họ thường không đủ khả
năng nhận thức đúng những hiện tượng mới nảy sinh, những thay đổi trong sách lược
của các đảng cộng sản nên hay dao động, không vững vàng. Thêm vào đó, trước sự
tấn công điên cuồng của CNTB, họ tỏ ra yếu đuối, hoang mang, dễ bị lợi dụng, từ
đó mà nảy sinh tư tưởng xét lại, thậm chí chuyển hóa thành phản bội.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, trong đó có tư
tưởng xét lại, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã trở thành vấn đề cơ bản,
hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Do đó, phải không ngừng bổ sung, phát triển học thuyết Mác - Lênin.
Tuy nhiên, bổ
sung, phát triển thì cũng phải vì mục đích bảo vệ, chứ không phải là từ bỏ, là
phản bội Chủ nghĩa Mác - Lênin. Với cách mạng Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu, bổ sung, phát
triển lý luận phải nhằm mục tiêu góp phần xác lập một đường lối chính trị độc lập,
tự chủ, đúng đắn và sáng tạo để dẫn dắt, chỉ đạo thắng lợi công cuộc xây dựng
CNXH và bảo vệ Tổ quốc trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứ không phải là phủ nhận, đổi hướng.
Nhận xét
Đăng nhận xét