QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG, CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

VỀ PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA”

TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Hữu Lập*

 

Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là nội dung quan trọng nhất của công tác chỉnh đốn Đảng, quyết định đến sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, đặc biệt trong điều kiện đảng cầm quyền. Bài viết khái quát, luận giải, làm rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này và đề xuất một số giải pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở đội ngũ sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

1. Quan niệm về phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Theo biện chứng pháp thì cái gì cũng luôn luôn vận động, luôn luôn biến hóa, luôn luôn cách mệnh và luôn luôn phát triển. Bao giờ cũng có cái sinh nở ra và phát triển lên, cũng có cái chết đi và mục nát”[1]. Tuy nhiên, với tính cách là chủ thể năng động, sáng tạo nhất của thế giới, con người nhận thức rõ không chỉ về quy luật vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng khác, mà còn nhận thức rõ về chính bản thân mình để không ngừng hoàn thiện bản thân theo yêu cầu nhận thức và cải tạo thế giới. Theo đó, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là khái niệm dùng để chỉ quá trình thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, từ tốt thành xấu, từng bước phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, giảm sút niềm tin vào mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là quá trình diễn ra sự thay đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và phẩm chất, nhân cách của cán bộ, đảng viên từ người cách mạng thành người phản cách mạng. “Tự diễn biến” là quá trình dẫn đến “tự chuyển hóa” và “tự chuyển hóa” là hệ quả tất yếu của “tự diễn biến”, vấn đề này có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan giữ vai trò quyết định.

“Tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên biểu hiện ở sự suy giảm niềm tin vào tính đúng đắn, cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội; ngại khó khăn, gian khổ, so bì, tỵ nạnh; tìm mọi cách để lựa chọn công việc, vị trí công tác; suy giảm trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; nảy sinh tiêu cực, tham nhũng từ nhỏ đến lớn; vi phạm các quy chế, quy định, nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng từ ít nghiêm trọng đến ngày càng nghiêm trọng hơn; nói và làm không theo nghị quyết của chi bộ, của Đảng; tự do, vô kỷ luật và cuối cùng là chống đối, đi ngược lại với quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Tự chuyển hóa” là khi người cán bộ, đảng viên đó không còn đủ phẩm chất, năng lực để đáp ứng yêu cầu của chức trách, nhiệm vụ được giao. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có ảnh hưởng rất tiêu cực đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Do vậy, ngay từ năm 1947, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền được hai năm, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để phòng, chống sự suy giảm ý chí, quyết tâm, phẩm chất, nhân cách người cách mạng của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có chức, có quyền. Bên cạnh đó, cùng với sự quan tâm sâu sắc đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều quan điểm chỉ đạo việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Theo đó, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là toàn bộ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp được tiến hành đồng bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng để làm cho cán bộ, đảng viên luôn tuyệt đối trung thành, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tiêu biểu về đạo đức cách mạng, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra.

2. Quan điểm Hồ Chí Minh về phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên

Sinh thời, Hồ Chí Minh chưa dùng cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên, mà Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng tiến bộ và Người coi sự không tiến bộ cũng đồng nghĩa với “thoái bộ”. Theo đó, có thể hiểu, thoái bộ đồng nghĩa với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Căn cứ vào tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu cầu, biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, có thể khái quát các quan điểm của Người về phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như sau:

Một là, về tính tất yếu, khách quan của phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là yêu cầu khách quan của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với vai trò là người sáng lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam - một nước thuộc địa, nửa phong kiến, giai cấp nông dân chiếm đại đa số, Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc những thuận lợi, khó khăn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một trong những khó khăn mang tính đặc thù của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới ra đời :đó là, một bộ phận không nhỏ đảng viên xuất thân từ nông dân và các tầng lớp xã hội khác. Do đó, mặc dù đã đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng họ còn mang nặng ảnh hưởng bởi những đặc tính của giai cấp, tầng lớp xuất thân mà không phù hợp với bản chất của giai cấp công nhân và với yêu cầu của đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: “Nếu trong Đảng ta, một đảng mới từ trong xã hội cũ bước ra, nếu nó hoàn toàn không có những người xấu, việc xấu như thế mới là kỳ quái chứ! Cố nhiên nói thế không phải là để tự bào chữa”[2]. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn đề cao công tác chỉnh đốn Đảng và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện để ngày càng tiến bộ. Người nhấn mạnh: “Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu”[3].

Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản ra đời để lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động đi đến thắng lợi cuối cùng là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đây là một sự nghiệp lâu dài, khó khăn, gian khổ, đòi hỏi Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn đến ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ và phù hợp với sự phát triển của xã hội. Người giải thích: “Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”[4]. Tuy nhiên, việc đổi mới, chỉnh đốn Đảng xuất phát từ mỗi cán bộ, đảng viên và chất lượng, hiệu quả của đổi mới, chỉnh đốn Đảng cũng biểu hiện ở phẩm chất, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên. Do vậy, Theo Hồ Chí Minh, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên vừa là mục tiêu, vừa là một nhiệm vụ, giải pháp và là yêu cầu khách quan của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hai là, về nội dung phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, thực chất là ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là thế giới quan dựa trên cơ sở đối lập quyền lợi cá nhân riêng lẻ với quyền lợi của xã hội, đặt quyền lợi của cá nhân trên quyền lợi của tập thể. Nói cách khác, chủ nghĩa cá nhân là những quan điểm, tư tưởng và hành vi tuyệt đối hóa hoặc đề cao lợi ích cá nhân, chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng độc, nó làm nảy sinh ở người cán bộ, đảng viên những suy nghĩ và hành động tiêu cực, mà Người gọi đó là các căn bệnh như: tham lam; lười biếng; kiêu ngạo; hiếu danh; thiếu kỷ luật; hẹp hòi; cục bộ địa phương; tự xưng ta đây là anh hùng, lãnh tụ; hữu danh, vô thực; kéo bè, kéo cánh; không nhìn xa, trông rộng, chỉ chăm chú những việc tỷ mỉ; không chấp hành nguyên tắc sinh hoạt đảng, muốn sao làm vậy; lười biếng; tỵ nạnh, xu nịnh, a dua…

Biểu hiện cụ thể mà những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân gây ra với cán bộ, đảng viên đó là: chỉ lo vun vén lợi ích riêng; sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; ganh ghét, đố kỵ, không muốn người khác hơn mình; háo danh, thích sùng bái; tham vọng quyền lực, địa vị; chạy bằng cấp, chạy thành tích, chạy chức, chạy quyền; kén chọn chức danh, vị trí công tác; lười tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí phấn đấu, thiếu gương mẫu; tự do, vô kỷ luật, đùn đẩy, thoái thác nhiệm vụ; thiếu quyết đoán, sợ trách nhiệm, mang nặng “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn, trước mắt, có lợi cho mình; che dấu khuyết điểm, sai phạm của đơn vị, báo cáo không trung thực; tranh công, đổ lỗi; thiếu thành khẩn khi có khuyết điểm; tự cao, tự đại, lười học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoang mang, dao động, hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng; ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, tinh thần tự phê bình và phê bình thấp; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, nhận hối lộ hoặc để người thân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi; cố ý làm trái các quy định của Nhà nước; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; tham gia, xúi giục, cưỡng ép, mua chuộc người khác làm những việc trái quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân bằng cách không lành mạnh; độc đoán, gia trưởng, coi thường tập thể; buông lỏng quản lý, chỉ huy, quan liêu, thiếu sâu sát cơ sở; không cương quyết trong xử lý các sai phạm của cấp dưới; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân; phai nhạt lý tưởng cách mạng, nói và làm không theo nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và các quy chế, quy định của cấp ủy, tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị; phản bội lại lý tưởng khi không được thỏa mãn mục đích riêng của mình.

Chủ nghĩa cá nhân có tác hại vô cùng to lớn, nó cản trở sự tiến bộ của mỗi cán bộ, đảng viên, nó là nguyên nhân của những tiêu cực và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do vậy, theo Hồ Chí Minh, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên chính là ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân.

Ba là, về hình thức, biện pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Qua nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh có thể thấy rằng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là hình thức của phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Bởi vì, theo Người, mục tiêu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, bảo đảm cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; đội ngũ cán bộ, đảng viên tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ; trung thành, tận tụy với công việc, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng triết lý hành động của người cán bộ, đảng viên là “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại đến dân thì hết sức tránh”. Theo đó, cần chú trọng một số hình thức chủ yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đó là: thường xuyên làm tốt công tác phát triển đảng viên mới, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và thực hiện nghiêm việc nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên hàng năm.

Về biện pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên theo quan điểm Hồ Chí Minh, cần sử dụng tổng hợp các biện pháp tác động vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó, biện pháp chủ yếu nhất là thực hiện có hiệu quả chế độ tự phê bình và phê bình. Theo Hồ Chí Minh, “tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”[5].

3. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phòng, chống “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên

Cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lần đầu tiên được đề cập tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Văn kiện Đại hội Đảng XI đã chỉ rõ: “Những biểu hiện xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp”. Thực tiễn cho thấy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là vấn đề có nguyên nhân từ những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, từ những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; từ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước những biến động phức tạp trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Với nhận thức trên tại Đại hội XII, Đảng ta nêu rõ quan điểm: “Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”[6]. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đánh giá, “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”[7]. Như vậy có thể thấy, việc phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên phải có tính chủ động cao. Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. 

Quan điểm của Đảng ta về phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần được các tổ chức, các lực lượng, ở các cấp, các ngành quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện trong thực tế gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn, góp phần phòng, chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay.

4. Giải pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở đội ngũ sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay

Đội ngũ cán bộ quân đội có vai trò quyết định đến sức mạnh chiến đấu và kết quả hoàn thành nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị và toàn quân, trong đó đội ngũ sĩ quan cấp phân đội có vai trò quan trọng. Do vậy, trong sự nghiệp xây dựng quân đội, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng đội ngũ cán bộ. Theo đó, cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 03-NQ/HNTW tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa VIII, ngày 18/6/1997, về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kết luận số 37-KL/TW của Hội nghị trung ương lần thứ chín khóa X, ngày 02/02/2009, về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ đến năm 2020; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trên cơ sở các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ, cần quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết số 769-NQ/QUTW, ngày 21/12/2012 của Quân ủy Trung ương, Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 - 2020; Quy định số 842-QĐ/QU, ngày 06/8/2018, về Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11/02/2019, Về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Nghị quyết số 847/NQ/QUTW, ngày 28/12/2021, về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp phân đội, cần chú ý toàn diện cả số lượng, phẩm chất, năng lực. Kết hợp chặt chẽ giữa trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ với đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thông qua việc thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”./.



* Chủ nhiệm khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị.

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 280.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 303.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 602.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 333.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 521.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 201.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 92.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyền thuyết bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh... là những truyền thuyết vô cùng nổi tiếng thời vua Hùng.