NHẬN DIỆN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG VẤN ĐỀ TÔN GIÁO

CỦA THẾ LỰC THÙ ĐỊCH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (K1)

Để làm suy yếu lực lượng cách mạng, gây bất ổn định chính trị, xã hội, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta. Âm mưu, thủ đoạn của chúng thường là:

Thứ nhất, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Hiện nay cùng với tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo, được đa số chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong nước và quốc tế đồng tình hưởng ứng và thừa nhận. Trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước, Đảng, Nhà nước ta vừa tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về đường lối, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vừa quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các tôn giáo hoạt động, phát triển bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được pháp luật bảo hộ. Minh chứng rõ nhất cho điều đó là: hằng năm, có gần 8.000 lễ hội tín ngưỡng tôn giáo được tổ chức; đến năm 2020, Việt Nam đã có 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta luôn điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, từ Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2018. Không chỉ vậy, Đảng và Nhà nước còn luôn coi trọng củng cố mối quan hệ đoàn kết lương - giáo, cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thôn, bản, địa phương vững mạnh, giàu đẹp, văn minh, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [1].

Thế nhưng, các thế lực thù địch đã không chỉ phủ nhận kết quả đó, mà còn xuyên tạc, cố tình hiểu sai chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Chúng thường “núp bóng” dưới chiêu trò “tự do tín ngưỡng, tôn giáo” để tiến hành các hoạt động chống phá chính quyền. Đặc biệt là việc đòi phục hồi những tổ chức tôn giáo không được Nhà nước công nhận, thành lập các tôn giáo mới, các tà đạo; tích cực truyền đạo ở những vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nơi có dân trí thấp. Tây Bắc là nơi nơi nảy sinh nhiều hiện tượng tôn giáo mới, như Vàng Chứ, Thìn Hùng, Dương Văn Mình, Phạ Tốc, San Sề Khể Tọ, đạo Chữ Thập, đạo Cân Ngô, Giề sùa... Ở Tây Nam Bộ, các thế lực thù địch tuyên truyền, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta, vu cáo Đảng, Nhà nước ta đàn áp Phật giáo Nam tông Khmer, không cho người Khmer được thực hành nghi lễ từ đó kích động phật tử Khmer đòi tách Phật giáo Nam tông Khmer ra khỏi Phật giáo Việt Nam trở thành một hệ phái độc lập. Với mục đích xây dựng hệ tư tưởng cho “Nhà nước Khmer độc lập, tự trị”, xây dựng lực lượng, cơ sở về tổ chức để đẩy mạnh đấu tranh chính trị đòi thành lập khu tự trị của người Khmer Krôm ở Nam Bộ.

Bên cạnh đó, chúng triệt để lợi dụng các vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai liên quan đến tôn giáo để kích động các hoạt động chống đối, gây tâm lý bức xúc và phản ứng của tín đồ đối với chính quyền; gây chia rẽ giữa chính quyền với tôn giáo. Nghiêm trọng hơn, chúng cố tình chính trị hóa sự việc, xuyên tạc, vu cáo chính quyền “lấy đất đai của tôn giáo, bỏ quên quyền lợi nhân dân, bao che cho doanh nghiệp, tàn phá môi trường”, kích động tâm lý suy bì, cho rằng Nhà nước đối xử không bình đẳng giữa các tôn giáo. Những vụ việc ở giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, hay mới đây ở Nghệ An là minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Thứ hai, tìm mọi cách phát triển tôn giáo vào vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua các thế lực thù địch tìm mọi cách để du nhập các tôn giáo mới vào các vùng dân tộc thiểu số. Theo số liệu thống kê năm 2020 tín đồ tôn giáo là người dân tộc thiểu số chiếm 11,41% dân số tôn giáo và chiếm 21,84% dân số người dân tộc thiểu số[2]. Tôn giáo được sử dụng nhiều nhất là đạo Tin lành. Sự bột phát của đạo Tin lành trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ có nhiều nguyên nhân khác nhau, song không thể thiếu “bàn tay” của các thế lực thù địch.

Ở khu vực Tây Bắc, lợi dụng những phong tục, tập quán của đồng bào Mông còn nặng nề, tốn kém chúng tuyên truyền theo đạo Tin lành sẽ không còn phải thực hành những phong tục đó nữa. Dưới sự lội kéo của chúng nhiều người đã bỏ tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình để đi theo đạo Tin lành. Từ đó hình thành một hiện tượng chưa từng có, đó là Tin lành hóa, hiện tượng này từng bước xác lập, ăn sâu vào cộng đồng. Tạo nên các cộng đồng tôn giáo - tộc người; hình thành tôn giáo riêng “Tin lành của người Mông. Tính đến năm 2020 đã có 270 ngàn người Mông, chiếm 20% người Mông cả nước theo đạo Tin lành. Trên cơ sở đó các thế lực thù địch đã kích động một bộ phận người Mông theo đạo Tin lành gây ra hai vụ tập trung đông người gây bạo loạn ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (2011) và ở bản Giàng Ly Cha, xã Tổng Hà, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (2020) đòi lập nhà nước riêng (Nhà nước Mông tự trị).

Ở khu vực Tây Nguyên, lợi dụng tình hình một bộ phận đồng bào đời sống kinh tế còn khó khăn, đặc biệt là số người Mông di cư từ Tây Bắc vào; chúng dùng vật chất để mua chuộc đồng bào theo đạo thành lập nên Hội thánh Tin lành Đềga. Theo số liệu thống kê năm 2019 đã có 51 ngàn người Mông theo đạo Tin lành, trong đó ở Đắk Nông 26.958 người, Đắk Lắk 21.570 người, Lâm Đồng 3.300 người.[3] Chúng tuyên truyền rằng chỉ có đi theo Hội thánh Tin lành Đềga thì cuộc sống mới được sung sướng, theo đạo Tin lành thì “đói cho ăn, đau cho thuốc, chết cho hòm”. Những hiện tượng này gây mất trật tự an ninh, xã hội; gây trở ngại cho việc thực hiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước ta.

Thứ ba, các thế lực thù địch lợi dụng thần quyền, giáo lý để khống chế, kích động, ép buộc người dân theo đạo chống phá chính quyền.

Đây là một âm mưu cực kỳ thâm độc, nguy hại của các thế lực thù địch. Lợi dụng niềm tin tôn giáo, thông qua việc thực hành các nghi lễ tôn giáo, các quy định của giáo lý, giáo luật, uy tín của các chức sắc tôn giáo chúng có thể tác động vào một bộ phận lớn tín đồ theo tôn giáo. Cụ thể: thông qua sinh hoạt tôn giáo, chúng dụ dỗ, kích động đồng bào có đạo gây mất tổn định chính trị ở địa phương. Ở khu vực Tây Bắc, một số đối tượng cực đoan, phản động trong Tin lành tuyển trọn thanh niên người dân tộc Mông ra nước ngoài để huấn luyện quân sự, nhằm xây dựng nguồn cán bộ lâu dài cho cái gọi là “Nhà nước Mông tự trị”. Ngoài ra, chúng còn lợi dụng nhiều tôn giáo khác như Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo… để tuyên truyền chống phá các mạng Việt Nam.

Tại một số địa phương đã xuất hiện việc lợi dụng các buổi lễ, cầu nguyện, giảng đạo, làm sai tôn chỉ hành đạo, lồng các nội dung tuyên truyền, xuyên tạc vào chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, làm cho tín đồ giảm lòng tin vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nguy hại hơn là làm theo sự điều khiển của các thế lực thù địch xâm hại lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của chính tín đồ các tôn giáo. Những kẻ chống đối quá khích, cực đoan như: Nguyễn Ngọc Nam Phong, Đinh Hữu Thoại, Đặng Hữu Nam… thường xuyên kích động số phần tử bất mãn chống đối chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; kích động tư tưởng ly khai, tự trị nhằm mục tiêu tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước, biến tôn giáo thành lực lượng chính trị đối trọng với Đảng và Nhà nước, chính quyền; lợi dụng hoạt động tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động đòi ly khai, tự trị, sử dụng hệ thống nhà nguyện làm nơi tụ tập lực lượng, sở chỉ huy để phối hợp hoạt động chống phá.

Thứ tư, lợi dụng các đối tượng cực đoan, các chính khách nước ngoài vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo.

Dưới nhiều hình thức khác nhau chúng tác động, lôi kéo các chính khách cực đoan trong hệ thống chính trị một số nước để tác động quốc hội, nghị viện các nước này thông qua các báo cáo, nghị quyết, thông cáo xuyên tạc tình hình tôn giáo ở nước ta, vu cáo Nhà nước vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Thông qua các cuộc hợp tác song phương, đa phương giữa Mỹ và các nước đồng minh với Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội để gây sức ép với Việt Nam về dân tộc, tôn giáo, tìm cách gắn “các yêu sách về vấn đề tôn giáo, dân tộc”, “dân chủ, nhân quyền” trong quan hệ song phương, đa phương với Việt Nam; từ đó hòng tìm cách can thiệp vào nội bộ nước ta.

Ở nước ngoài, các tổ chức phản động lưu vong tăng cường vận động Việt kiều, người nước ngoài ủng hộ kinh phí, vật chất, phương tiện để “nuôi dưỡng, hậu thuẫn” các đối tượng trong nước hoạt động. Bên cạnh đó chúng móc nối với phần tử cơ hội chính trị trong nước thu thập tin tức, tình hình tôn giáo, việc xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chính sách tôn giáo ở địa phương rồi bóp méo, xuyên tạc trên các diễn đàn, trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ năm, lợi dụng các hoạt động từ thiện, nhân đạo, các tổ chức phi chính phủ để lôi kéo đồng bào có đạo chống phá Đảng, Nhà nước.

Đây là một trong những âm mưu, thủ đoạn mới mang tính hợp pháp, công khai mà các thế lực thù địch đã và đang sử dụng với mục đích hỗ trợ các phần tử phản động, cực đoan trên địa bàn hình thành các tổ chức, tạo dựng “ngọn cờ” để tập hợp lực lượng và tiến hành các hoạt động chống phá cách mạng. Thủ đoạn này rất tinh vi, khó nhận biết, bởi lẽ nó được núp dưới các hoạt động “nhân đạo”, “từ thiện” của các tổ chức phi chính phủ trá hình.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, xu hướng “chính trị hóa tôn giáo” và “tôn giáo hóa chính trị” càng gia tăng và phức tạp. Lợi dụng việc các nước phương Tây chú trọng sử dụng tôn giáo gắn với các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo làm điều kiện trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Các thế lực thù địch hậu thuẫn cho các tổ chức tôn giáo núp dưới chiêu bài tổ chức phi chính phủ hoặc các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia. Sẽ không có gì phải lưu tâm khi các tổ chức này hoạt động theo đúng mục đích, tôn chỉ của nó. Điều đáng lưu ý ở đây là các thế lực thù địch sử dụng những tổ chức này để thâm nhập vào những khu vực nhạy cảm, các địa bàn chiến lược của nước ta để thu thập tình hình, báo cáo xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; tiếp cận, chỉ đạo phần tử phản động, cực đoan tiến hành các hoạt động tuyên truyền, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi “tôn giáo hóa dân tộc”, đòi “tự trị, ly khai” nhằm gây mất ổn định và tạo cớ can thiệp.

Bên cạnh đó các thế lực thù địch tìm mọi cách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo cả ở trong nước và nước ngoài để chống phá cách mạng Việt Nam như: “Tổ chức Đoàn kết Thiên chúa giáo toàn cầu (tổ chức quốc tế)”; “Uỷ ban Tự do tôn giáo quốc tế cho Việt Nam”, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất hải ngoại”, “Liên đoàn Công giáo người Việt tại Mỹ”... Các tổ chức này đang chuyển hướng hoạt động vào trong nước. Chúng ra sức cổ suý, hỗ trợ các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo ở trong nước để chống phá như: Tin lành Đề Ga (ở Tây Nguyên), Tin lành Vàng Chứ trong vùng đồng bào Mông (ở Tây Bắc) …Điển hình cho âm mưu thủ đoạn này có thể kể đến: lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra năm 2016, một số chức sắc cực đoan trong Công giáo, với sự hậu thuẫn của các tổ chức phản động bên ngoài, đã tổ chức cho hàng ngàn giáo dân tuần hành, biểu tình gây rối an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ, chiếm giữ quốc lộ, tỉnh lộ… Các hoạt động này đã gây tình hình phức tạp nghiêm trọng về an ninh trật tự, trực tiếp xâm hại đến hoạt động bình thường của chính quyền cơ sở, làm giảm sút niềm tin của một bộ phận chức sắc, tín đồ tôn giáo đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền.

Tóm lại, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng nước ta hiện nay rất đa dạng, với tính chất rất nguy hiểm, vừa công khai, hợp pháp, vừa bí mật, bất hợp pháp cả trong nước và ngoài nước, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã hội với nhiều tổ chức, nhiều lực lượng để đi đến mục tiêu cao hơn là loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Những thủ đoạn chống phá đó của các thế lực thù địch đã làm cho cuộc sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, vùng sâu, vùng xa ở nước ta đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, các âm mưu, thủ đoạn chống phá đó của các thế lực thù địch có đạt được mục tiêu hay không còn phụ thuộc vào tinh thần cảnh giác, khả năng ngăn chặn, sự chủ động của ta.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Thông tin và Truyền thông, Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2022.

2. Ban Tôn giáo Chỉnh phủ (Vụ tin lành), Thực trạng đạo Tin lành ở Việt Nam, tính đến tháng 12/2019.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, Hà Nội, 2021.

4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021.

5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam trong bối cảnh mới, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 




[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr.171,172.

[2] Bộ Thông tin và Truyền thông, Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2022.

[3] Ban Tôn giáo Chỉnh phủ (Vụ tin lành), Thực trạng đạo Tin lành ở Việt Nam, tính đến tháng 12/2019

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyền thuyết bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh... là những truyền thuyết vô cùng nổi tiếng thời vua Hùng.