BIỂU HIỆN VÀ CÔNG
TÁC
PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA”
CỦA SĨ QUAN CẤP PHÂN ĐỘI TRONG QUÂN ĐỘI THỜI
KỲ MỚI
Đại tá, PGS, TS Hoàng Văn Phai*
Biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” của sĩ quan cấp phân đội tác động, ảnh hưởng xấu đến xây dựng đơn vị vững
mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”; đến phẩm chất “Bộ
đội Cụ Hồ” và truyền thống của Quân đội. Do đó, làm rõ biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong quân đội thời kỳ
mới và đưa ra những kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, Quân
ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục
Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam để lãnh đạo, chỉ đạo, rèn luyện, xây dựng
đội ngũ sĩ quan cấp phân đội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng
cố quốc phòng và bảo Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có tầm quan trọng đặc
biệt.
1. Biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong
Quân đội
Biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” của sĩ quan cấp phân đội là hiện tượng xã hội trong Quân đội, có căn
nguyên từ những hạn chế, yếu kém của công tác tư tưởng của Đảng trong Quân đội;
những hạn chế trong quản lý, nắm bắt các mối quan hệ xã hội của sĩ quan cấp
phân đội ở các tổ chức đảng và trong lãnh đạo, chỉ huy ở các đơn vị; khoảng trống,
kẽ hở trong giải quyết, xử lý các vấn đề nảy sinh ở các cơ quan, đơn vị. Hơn
nữa, những mặt trái của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường và
âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động đang hàng ngày,
hàng giờ tác động, ảnh hưởng đến cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, dễ làm cho sĩ
quan cấp phân đội có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Nhận thức rõ điều đó, những năm qua,
dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung
ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn tích cực, chủ
động đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên nói chung, của sĩ quan cấp phân đội nói riêng.
Đây là một nội dung trọng tâm trong tổng thể các nội dung, biện pháp đấu tranh
phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của
các thế lực thù địch gắn với xây
dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu
mực, tiêu biểu” . Lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân đội đã tích cực, chủ
động đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân
đội. Thường xuyên quan tâm, chăm lo giáo dục, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường,
quan điểm, phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách lãnh đạo, chỉ huy của sĩ
quan cấp phân đội, góp phần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ
huy trong đơn vị và toàn quân. Nghị quyết Đảng
bộ Quân đội lần thứ XI chỉ rõ, trong Quân đội hiện nay, tuyệt đại đa số cán bộ,
đảng viên kiên định, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu
hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, là lực
lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân
dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; có ý thức tổ chức kỷ luật, “tạo khả năng “tự
miễn dịch” trước hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”[1].
Hiện nay, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” của sĩ quan cấp phân đội tuy phạm vi
không rộng, tính chất chưa nghiêm trọng, song không phải không hiện hữu và ảnh
hưởng tiêu cực đến xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”;
đến mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào
năm 2030. Sĩ quan cấp phân đội cũng là những con người xã hội, nên cũng chịu tác động của mặt
trái kinh tế thị trường, của Internet và các trang mạng xã hội; thậm chí, bị
các thế lực thù địch, đối tượng xấu, bất mãn mua chuộc, lôi kéo, kích động. Một
số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân đội chưa nhận diện
đầy đủ mức độ thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng,
giảm sút ý chí, vi phạm kỷ luật, pháp luật, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của
sĩ quan cấp phân đội. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan, sĩ quan cấp
phân đội “còn là kết quả lôgíc từ sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống”[2]. Một bộ phận sĩ
quan cấp phân đội còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất; việc
đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ; tự phê
bình và phê bình còn hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm; thiếu tự giác
nhận khuyết điểm và trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao. Một bộ phận sĩ quan
cấp phân đội có biểu hiện “phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa
cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật”[3]; “một số ít thiếu
tu dưỡng, rèn luyện, còn vi phạm kỷ luật, pháp luật”[4]; “vụ việc nghiêm trọng,
đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra, cá biệt có trường hợp phải truy cứu trách nhiệm
hình sự”[5]. Điển hình là các vụ
việc liên quan đến vay nợ, đánh người, hiếp dâm, vận chuyển ma túy[6]...
Trước những những hạn chế vẫn còn tồn
tại ở sĩ quan cấp phân đội, nhất là một số biểu hiện lệch
chuẩn giá trị trong nhận thức và hành động của đối tượng này chưa được khắc
phục kịp thời; dễ rơi vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Để khắc phục
triệt để các biểu hiện này, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ,
ban, ngành, các cơ quan lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt
là sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, Quân
ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục
Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
2. Một số kiến nghị với Đảng,
Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng,
Tổng cục
Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về
công tác phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội
trong Quân đội
Một là, đối với Đảng.
Tiếp tục nghiên cứu và ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận nhằm chỉ đạo,
định hướng trong hệ thống chính trị, quân đội, phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, sĩ quan cấp phân đội. “Tăng cường công tác
quản lý đảng viên; kịp thời rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên
không đủ tư cách”[7]. Đưa Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021
của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số
05-CT/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ
Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”;
Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XIII số 21-NQ/TW, ngày 16 tháng 6 năm 2022 “về tăng cường
củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên
trong giai đoạn mới”; Kết luận số 14 - KL/TW,
ngày 22/9/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về chủ trương khuyến khích và
bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”; Nghị
quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
trong tình hình mới” đi vào thực tiễn đời sống xã hội và được thấm nhuần ở mỗi cán
bộ, đảng viên, sĩ quan cấp phân đội.
Hai là, đối với Nhà nước.
Tiếp tục nghiên
cứu, rà soát và ban hành các cơ chế quản lý, chính sách phù hợp với cán bộ,
đảng viên, trong đó có sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội; thể hiện sự quan
tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước, Quân đội, đặc
biệt đối với đội ngũ sĩ quan cấp phân đội. Bảo đảm cho đội ngũ này có “đủ phẩm
chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm
đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn,
thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”; “Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực
hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật Đảng và
pháp luật Nhà nước”[8]. Bảo đảm đội ngũ cán bộ, đảng
viên, sĩ quan cấp phân đội trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân,
sẵn sàng chiến đấu, hy sinh “vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; “Dám
nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương
đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”; có khả năng
miễn nhiễm với những cám dỗ trong kinh tế thị trường, khả năng nhận biết đúng
sai và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; không suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ba là, đối với Quân ủy Trung ương.
Trên cơ sở
các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị,
Quân ủy Trung ương cần
ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Hướng dẫn về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội
trong tình hình mới. Kịp thời ngăn chặn các biểu hiện “suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, học tập vươn lên, làm
việc cầm chừng, cơ hội, thực dụng, gia trưởng, độc đoán, vi phạm kỷ luật Đảng,
pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội”[9] của cán bộ, chiến
sĩ, sĩ quan cấp phân đội. Làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, thúc đẩy “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” và thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực
thù địch, cơ hội về chính trị. Phấn đấu “đến năm 2030 xây dựng đội ngũ cán bộ quân
đội phát triển toàn diện, chuyên nghiệp, chất lượng cao, số lượng, cơ cấu hợp
lý, bảo đảm chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ”[10].
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện nghiêm
Quy định Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ trong Quân đội
nhân dân Việt Nam. Theo đó, về chính trị tư tưởng, cán bộ trong Quân đội nói
chung, sĩ quan cấp phân đội nói riêng phải “Tuyệt đối trung thành với lợi ích của
Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và
đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững
vàng, không dao động trong bất kỳ tình huống nào, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương
lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Có tinh thần yêu
nước nồng nàn, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân, tập thể lên
trên lợi ích cá nhân; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao; yên tâm công tác;
chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn
thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”[11].
Bốn là, đối với Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quán triệt nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Hướng dẫn của Đảng,
Nhà nước, Quân ủy Trung ương về xây dựng chỉnh
đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ quân đội trong
tình hình mới; phòng, chống nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, sĩ quan cấp phân đội.
Chỉ đạo các
cơ quan, đơn vị trong toàn quân tổ chức thực hiện Quy chế Công tác quản lý tư
tưởng quân nhân; nắm và định hướng dư luận trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ban
hành. Để mỗi cán bộ, đảng viên, sĩ quan cấp phân đội nắm, hiểu rõ vị trí, vai
trò, mục tiêu, chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo, lực lượng thực hiện và phối hợp, đối
tượng, nguyên tắc, quy trình tiến hành Quy chế này.
Tiếp tục chỉ
đạo các cơ quan, đơn tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 79/CT-BQP, ngày 22/7/2022 của Bộ Quốc phòng “Về
xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu” trong toàn quân”. Theo
đó, các đơn vị tổ chức xây dựng theo bốn tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn vững mạnh
về chính trị. Phấn đấu đến năm 2030, cán bộ cấp phân đội đều được đào tạo trình
độ đại học,... có khả năng sáng tạo, thích ứng nhanh và phát triển[12]; phấn đấu giai đoạn
2023 - 2030, 100% cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc nhiệm
vụ của Quân đội, đơn vị và chức trách nhiệm vụ được giao, kỷ luật tự giác,
nghiêm minh, có tư duy, nhận thức mới về công tác huấn luyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ[13]; đủ khả năng làm việc
trong môi trường quốc tế như Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII, số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 “Về tập trung xây dựng đội
ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín,
ngang tầm nhiệm vụ” và Nghị quyết số 109 - NQ/TW,
ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương “về xây
dựng đội ngũ cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” đã
đề ra./.
* Viện trưởng
Viện KHXH&NVQS, Học viện Chính trị.
[1] Quân ủy Trung ương, Ban Chỉ đạo 35, Báo cáo số 2630-BC/BCĐ,
ngày 25/8/2023, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị
khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Hà Nội.
[2] Phạm Văn Huấn và các tác giả, Phòng chống nguy cơ “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta,
ngày 16/09/2019. https://www.tapchicongsan.org.vn,
[3] Đảng Cộng
sản Việt Nam, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021, Hà Nội.
[4] Quân ủy Trung ương, Báo cáo số 1028 - BC/QU, ngày
10/11/2017 về tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến
lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong Đảng
bộ Quân đội, Hà Nội.
[5] Quân ủy Trung ương, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại
biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Hà Nội,
2020.
[6] Bộ Tổng tham mưu,
Cục Quân huấn, Thông báo số 2249/TB-QH, ngày
27/6/2023 về tình hình vi phạm kỷ luật của toàn quân 6 tháng đầu năm 2013,
Hà Nội.
[7] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ
chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, Hà
Nội.
[8] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ
cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Hà Nội.
[9] Quân ủy Trung ương,
Nghị quyết số 109-NQ/TW, ngày 11/02/2019 về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội
đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Hà Nội.
[10] Quân ủy Trung ương, Nghị
quyết số 109-NQ/TW, ngày 11/02/2019 về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội đáp ứng
yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Hà Nội.
[11] Quân ủy Trung ương, Quy định
số 842-NQ/QUTW ngày 06/8/2018 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, xếp
loại cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Hà Nội.
[12] Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về đổi
mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội
trong tình hình mới, Hà Nội.
[13] Quân ủy Trung ương, Nghị
quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn
2023 - 2030 và những năm tiếp theo, Hà Nội.
Nhận xét
Đăng nhận xét