NỘI DUNG PHÒNG, CHỐNG
“TỰ DIỄN BIẾN”,
“TỰ CHUYỂN HÓA” CỦA SĨ QUAN CẤP PHÂN ĐỘI
TRONG QUÂN ĐỘI
Trung tá, TS Vũ Văn Bách*
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách
mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức nguy cơ, tác
hại suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhấn mạnh:
“sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “sự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có
thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại
lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”[1]. Trước những tác động
tiêu cực của tình hình kinh tế, xã hội cộng hưởng với sự chống phá của các thế
lực thù địch hiện nay, một số cán bộ, đảng viên nói chung, sĩ quan cấp phân đội
nói riêng thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng đã có những
biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”. Do đó, để chủ động ngăn ngừa từ sớm cần phải xác định những nội
dung phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong
Quân đội.
“Tự diễn biến” là quá trình tự vận động, biến đổi từ bên
trong của chủ thể. Đối với cán bộ, đảng viên đây là quá trình biến đổi theo chiều
hướng từ đúng sang sai, từ tốt sang xấu, từ tích cực sang tiêu cực, từ tiến bộ sang
phản tiến bộ trong nhận thức, niềm tin và hành động. Biểu hiện rõ nhất là sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngày càng xa rời mục tiêu, lý tưởng
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xa rời đường lối của Đảng. “Tự diễn biến”
trong cán bộ, đảng viên còn được hiểu là quá trình đấu tranh giữa các mặt tích
cực và tiêu cực, giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong nội
tâm mỗi cá nhân trước những tác động phức tạp của tình hình trong nước, quốc tế,
thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong đó, yếu tố tiêu cực
và tư tưởng tư bản chủ nghĩa dần dần tăng lên; yếu tố tích cực, cách mạng, tư
tưởng xã hội chủ nghĩa phai nhạt dần. Đây là quá trình biến đổi từ bên trong đội
ngũ cán bộ, đảng viên, đến một thời điểm nhất định, sự biến đổi này sẽ chuyển
hóa thành hành động của họ. Theo đó, khi yếu tố tiêu cực dần dần tăng lên; yếu tố
tích cực, cách mạng phai nhạt dần thì sẽ diễn ra sự nối tiếp của quá trình “tự
diễn biến” đó là “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
“Tự chuyển hóa” là quá trình đấu tranh giữa các mặt tích
cực và tiêu cực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và mỗi con người, trong
đó, yếu tố tiêu cực dần tăng lên, yếu tố tích cực suy thoái đến mức độ nghiêm
trọng làm biến chất cách mạng của tổ chức, cá nhân. “Tự chuyển hóa” chính là
quá trình thay đổi về chất trong quan điểm, tư tưởng, phẩm chất và hành động của
chủ thể. Đây là cấp độ cao hơn của quá trình “tự diễn biến” biểu hiện sự thay đổi
về chất của quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống, khiến cho mỗi cá nhân không
còn là chính mình nữa, chẳng những đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu mà có
khi trở thành kẻ phản bội, chống lại Đảng và Nhà nước, thậm chí chuyển sang
hàng ngũ kẻ thù.
“Tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là hai quá trình khác
nhau nhưng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” lại gắn kết với nhau trong một quá
trình vận động, biến đổi trong các tổ chức và mỗi con người. Quá trình “tự diễn
biến” cũng là quá trình “tự chuyển hóa” nhưng đang ở trong những giới hạn nhất
định. Đến một lúc nào đó thì từ “tự diễn biến” sẽ dẫn tới “tự chuyển hóa” toàn
bộ; lúc đó tổ chức, con người sẽ thay đổi hoàn toàn về bản chất. Khi có biểu hiện
“tự diễn biến” sẽ làm cho quá trình “tự chuyển hóa” diễn ra nhanh hơn. Ngược lại,
khi “tự chuyển hóa” xảy ra sẽ thúc đẩy quá trình “tự diễn biến” mạnh hơn.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đánh dấu bước đột phá về
công tác tổng kết thực tiễn xây dựng Đảng. Đảng ta đã chỉ rõ 27 biểu hiện cụ thể
của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Đây là căn cứ để đánh giá sự suy
thoái và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của đảng viên, tổ chức Đảng,
trên cơ sở đó có biện pháp thi hành kỷ luật nghiêm minh, tránh tình trạng đánh
giá tình hình chung chung nhưng không chỉ ra được cụ thể ai, tổ chức nào suy
thoái và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển
khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn
nhấn mạnh đến việc chăm lo, xây dựng, bồi dưỡng toàn diện sĩ quan cấp phân đội. Nhờ đó, đa số sĩ quan cấp phân đội
luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, giữ gìn và phát
huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ
Hồ” thời kỳ mới, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo hoàn thành
tốt các nhiệm vụ được giao; kiên quyết tôi luyện, rèn giũa, không để
xảy ra những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tuy
nhiên, được sinh ra trong thời bình sĩ quan cấp phân đội thừa hưởng thành quả
cách mạng và điều kiện thuận lợi hơn các thế hệ trước. Điều kiện kinh tế, xã hội tạo ra thời cơ và vận hội lớn để sĩ quan cấp
phân đội cống hiến và trưởng thành. Song, những mặt trái của nó làm cho sĩ quan
cấp phân đội hình thành nhiều nhu cầu, động cơ, xu hướng khác nhau khá
phong phú và phức tạp, như: bắt đầu tính toán, so sánh thiệt hơn, hay bột phát bộc lộ tâm lý chủ quan, tự
mãn dẫn tới tự do trong chấp hành kỷ luật; phai nhạt những giá trị truyền thống, mơ hồ về lịch sử, thực dụng, ích kỷ. Trong khi
đó, một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, người
chỉ huy chưa quan tâm, chưa có nhiều biện pháp phòng, chống biểu hiện suy
thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nên một số sĩ quan cấp phân đội chưa
nhận thức đúng trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất người cán
bộ, đảng viên; thậm chí, coi thường kỷ luật, buông lỏng trong quản lý, chỉ huy bộ đội, sa vào các tệ nạn xã hội, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mặc dù chỉ là số ít nhưng tỉ lệ vụ việc vi
phạm kỷ luật của sĩ quan cấp phân đội từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
đang có chiều hướng gia tăng là điều rất đáng lo ngại.
Trong tình hình hiện nay, nội dung phòng, chống “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, ngăn ngừa, khắc
phục những điều kiện, nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ
quan cấp phân đội.
Trong đó, phải hết sức chú ý đấu
tranh khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Bởi vì, thường thì về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống diễn ra trước biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn
biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Chủ động
phòng ngừa những diễn biến tiêu cực về tâm lý, tư tưởng dẫn đến hiện
tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và kéo theo nguy cơ “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội: “Tập trung xây dựng cho
cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung
thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có ý chí quyết tâm chiến đấu
cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Chủ động đấu
tranh phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[2].
Tiến hành toàn diện
công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác quản lý. Đối với công tác tư tưởng cần tích cực đổi mới nội dung giáo dục
chính trị, lãnh đạo tư tưởng; nắm, quản lý, phân tích, đánh giá, phân loại và giải
quyết tư tưởng; dự báo xu hướng vận động của những tư tưởng tiêu cực dẫn đến “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đối với
công tác tổ chức cần vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp lãnh đạo,
chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đối với công tác quản lý cần đổi mới hình thức, biện pháp quản lý các mối
quan hệ xã hội, quản lý tư tưởng, phát huy dân chủ trong chấp hành kỷ luật, xây
dựng nền nếp chính quy, môi trường văn hóa,... đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn không
để xảy ra suy thoái và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội.
Hai là, kiên quyết đấu
tranh đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp
phân đội.
Thực hiện nội dung này, cần tiến hành đấu tranh toàn diện
với những tư tưởng, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp
phân đội. Nắm chắc tình hình đơn vị, diễn biến tư tưởng của sĩ quan cấp phân đội,
kịp thời khắc phục những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của họ. Khi
phát hiện có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải cương quyết bài trừ,
tiến hành khoa học, linh hoạt, thấu tình, đạt lý trong xử lý vi phạm, huy động
sức mạnh tổng hợp đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chống tư tưởng bao che, che dấu khuyết điểm và dung túng cho những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội.
Phát huy vai trò tự giác tu dưỡng, rèn luyện của sĩ quan
cấp phân đội, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp trong việc phòng, chống “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đối với sĩ quan cấp phân đội, việc tự phòng, chống “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” là một yêu cầu cao. Bởi họ là những người trẻ,
đang trong quá trình rèn luyện để hoàn thiện nhân cách, trong số họ sẽ có nhiều
người phát triển trở thành những cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy trong Quân
đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra những nguy cơ suy thoái của cán bộ, đảng
viên trong điều kiện Đảng cầm quyền. Nhiều cán bộ, đảng viên kinh qua gian khổ,
chiến tranh ác liệt nhưng lại không vượt qua được sự cám dỗ của những lợi ích vật
chất tầm thường đến mức vi phạm kỷ luật Đảng, sa vào sự suy thoái, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”. Đó là sự mất mát, đau xót không chỉ với cá nhân mà còn ảnh hưởng
tới uy tín của tổ chức Đảng. Do đó, sĩ quan cấp phân đội càng phải nêu cao đạo
đức cách mạng, tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi việc. Phải luôn tự đấu
tranh với chủ nghĩa cá nhân. Nghiêm khắc, thật thà tự phê bình và khéo dùng phê
bình để giúp đồng đội sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Chống tư tưởng lợi dụng
phê bình để công kích, hạ bệ người khác hoặc tâng bốc, nịnh bợ cấp trên.
Ba là, xây dựng các giá trị, quan hệ, hành vi đạo
đức chuẩn mực của người quân nhân cách mạng. Sĩ quan cấp phân đội
vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của của môi trường quân đội. Bản chất của mỗi
nhân cách trong điều kiện cụ thể là tổng hòa của các quan hệ xã hội. Trong các
mối quan hệ có ý nghĩa quan trọng với việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội là các quan hệ về đạo đức, bởi vì, đạo đức
là gốc của người cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có
nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng
phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được
nhân dân”[3]. Có đạo đức cách mạng
sĩ quan cấp phân đội sẽ “miễn dịch” với biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”.
Theo đó, cần giáo dục sĩ quan cấp phân đội đạo đức cách mạng
hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho nhân
dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho nhân dân thì phải hết sức tránh. Cốt
lõi nhất của đạo đức cách mạng là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ
quốc, với nhân dân, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, vì độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội. Thực hành đạo đức cách mạng là luôn đặt lợi ích của Đảng,
Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết; khi cá nhân có mâu thuẫn với lợi
ích của tập thể thì phải vui lòng hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ tập thể.
Trái với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, đó là làm việc gì cũng chỉ
nghĩ cho bản thân mình, chỉ lo vun vén cho sự ích kỷ, hẹp hòi của bản thân mà
quên đi lợi ích chung của tập thể.
Thực hiện tốt các nội dung phòng,
chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát
triển của mỗi sĩ quan cấp phân đội, góp phần xây dựng Đảng ta thật trong sạch,
xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Đối
với sĩ quan cấp phân đội phòng, chống “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” là tự hoàn thiện nhân cách, làm cho những phẩm
chất tốt đẹp ngày càng nảy nở, những hạn chế, khuyết điểm ngày càng ít đi, xứng
đáng là thế hệ tiếp bước sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng./.
* Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học Mác - Lênin, Trường Sĩ quan
Chính trị.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số
04/NQ-TW ngày 30/10/2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn
chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Hà Nội.
[2] Tổng cục Chính trị, Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết
Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb Quân
đội nhân dân, Hà Nội, tr. 51.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 292.
bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóa