NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ TÍNH NGUYÊN TẮC

PHÒNG, CHỐNG”TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA”

CỦA SĨ QUAN CẤP PHÂN ĐỘI TRONG QUÂN ĐỘI

Đại tá, PGS, TS Hà Đức Long*

 

Trong các văn kiện của Đảng ta cho thấy, “tự chuyển hóa” là hệ quả tất yếu, sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, là quá trình biến đổi về chất các quan điểm, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một tổ chức và cá nhân. “Tự chuyển hóa” chính là quá trình thay đổi về chất trong quan điểm, tư tưởng, phẩm chất và hành động của chủ thể. Đây là cấp độ cao hơn của quá trình “tự diễn biến” biểu hiện sự thay đổi về chất của quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống khiến cho mỗi cá nhân không còn là chính mình, chẳng những đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu mà có khi trở thành phản bội, chống lại Đảng và Nhà nước, thậm chí chuyển sang hàng ngũ kẻ thù.

“Tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên nói chung, của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nói riêng hiện nay được biểu hiện ở cả trong nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, tư tưởng, niềm tin và ý chí quyết tâm hành động với các biểu hiện cụ thể như: suy giảm về nhận thức, về tư tưởng chính trị, ngày càng xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, xa rời lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xa rời đường lối của Đảng. Suy giảm niềm tin vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt. Suy giảm về phẩm chất đạo đức, lối sống, ngày càng xa rời những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa, trượt dần sang đạo đức, lối sống tư sản, quay về với những thói hư, tật xấu của đạo đức, lối sống phong kiến,…

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XII Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnhTừ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tớitự diễn biến”, “tự chuyển hoáchỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc kết cấu với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc[1]. Vì vậy, việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng nói chung, sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nói riêng có tính cấp thiết hơn bao giờ hết. Đồng thời, để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả nhất thiết cần phải xác định và thực hiện đồng bộ nhiều nội dung biện pháp hữu hiệu trên cơ sở những vấn đề có tính nguyên tắc sau:

 Một là, nhất quán quan điểm kiên quyết, kiên trì, thận trọng, chắc chắn trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội.

Đây là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là cùng với thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực, thì cần phải: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” trong nội bộ;...”[2]. Đề cập vấn đề này Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy, chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta”[3]. Thực chất đây là cuộc đấu tranh chống “kẻ thù giấu mặt” ngay trong mỗi cá nhân và nội bộ ta, do đó nếu không kiên quyết, kiên trì, thận trọng, chắc chắn thì dễ rơi vào nóng vội, chủ quan, làm ẩu, lảng tránh,... dẫn đến hiệu quả phòng, chống không cao, thậm chí phản tác dụng không hiệu quả.

Mặt khác đối với sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội là một bộ phận cơ bản cấu thành đội ngũ cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ là những sĩ quan đang làm nhiệm vụ ở đơn vị cơ sở, giữ các chức vụ từ cấp trung đội đến cấp tiểu đoàn và tương đương, có cấp bậc quân hàm từ thiếu uý đến trung tá[4]. Đó là những sĩ quan, cán bộ, đảng viên trẻ, có sức khỏe, hoài bão, ước mơ, được lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh quy định, được Đảng và Nhà nước trao quân hàm sĩ quan và giao trọng trách chỉ huy, quản lý phân đội hoặc đảm nhận các công tác chuyên môn, nghiệp vụ với chức trách tương đương trong hệ thống tổ chức quân đội ở đơn vị cơ sở. Sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc, là lực lượng giữ vai trò quyết định đến chất lượng huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, duy trì kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy ở các đơn vị cơ sở; vừa nêu gương, vừa trực tiếp tổ chức giáo dục, quản lý, chỉ huy, duy trì việc chấp hành pháp luật, kỷ luật trong đơn vị. Tuy nhiên, sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội tuổi quân, tuổi đời còn trẻ, diễn biến tâm lý tính ổn định chưa thật sự cao, ít trải qua thực tiễn khó khăn, gian khổ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, chưa được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn quân sự thời chiến, vốn sống còn ít nên một bộ phận không nhỏ sĩ quan phân đội, nhất là các sĩ quan mới ra trường còn có những hạn chế nhất định mà các hạn chế này có thể được coi là những biểu hiện ban đầu về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như: chưa yên tâm công tác, tư tưởng dễ hoang mang, dao động trước khó khăn, ngại khó, ngại khổ, giảm sút ý chí,... Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”[5]. Do đó, việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội càng đòi hỏi phải tuân thủ nguyên tắc kiên quyết, kiên trì, thận trọng, chắc chắn. Điểm mẫu chốt để thực hiện nguyên tắc này là phải tìm ra bằng được nguyên nhân cả khách quan và chủ quan dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội để xử lý có hiệu quả như mong muốn.

Hai là, thực hiện đúng quan điểm toàn diện, lịch sử cụ thể, tránh chung chung, quy chụp “vơ đũa cả nắm” trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội.

Đây là nguyên tắc nền tảng hết sức quan trọng trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” này. Vì không có quan điểm toàn diện, lịch sử cụ thể thì rất dễ rơi vào các khuynh hướng tai hại “tả khuynh” hoặc “hữu khuynh”; thậm chí theo kiểu “vơ đũa cả nắm”, “nhầm người còn hơn để sót”, việc đáng phòng, đáng chống thì không làm, việc không đáng phòng, đáng chống thì lại làm ..., không đem lại hiệu quả trong phòng, chống, thậm chí gây tại hại khôn lường, mất cán bộ, mất đội ngũ. Vì vậy, trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nhất thiết phải thực hiện quan điểm toàn diện về mọi mặt đối với tất cả các chủ thể cần phải phòng, chống; ở trên tất cả các phương diện, chiều cạnh từ tư tưởng, chính trị, tổ chức, nhận thức, tư duy, đến hành động, lời nói, việc làm, cách cư xử, ứng xử, quan hệ ... Nhưng cần hết sức cụ thể gắn với từng con người, từng tổ chức, ở phạm vi không gian, thời gian, tính chất, sự vụ cụ thể, rõ ràng mạch lạc, tránh rập khuôn, quy chụp, chụp mũ. Cần phân biệt, không đánh đồng lập trường chính trị với nhận thức tư tưởng, nhận thức lý luận. Nhiều khi do nhận thức chưa sâu sắc, toàn diện mà phạm sai lầm về chính trị thì không nên vội vàng chính trị hóa và quy kết là “tự diễn biến”. Lẽ dĩ nhiên, nhận thức tư tưởng, lý luận sai lầm, nhất là sai lầm có ý thức, có hệ thống sẽ là khởi điểm dẫn đến sai lầm về chính trị. Do đó, việc thực hiện nguyên tắc này cần phải tăng cường đấu tranh, phê phán, làm rõ đúng - sai thông qua đối thoại, trao đổi, tọa đàm, thuyết phục trên tinh thần đồng chí, tăng cường đoàn kết, đồng thuận, phê bình việc chứ không phê bình người hay xúc phạm, đả kích cá nhân. Song, nếu cá nhân đã cố tình chạy sang phía đối địch thì chúng ta kiên quyết đấu tranh.

Ba là, phải kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống”, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy xây là chính trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội.

Đây là nguyên tắc cơ bản quan trọng được xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”: “Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Để nguyên tắc này của Đảng đi vào cuộc sống, nhất là trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội, đòi hỏi “xây” phải đi liền với “chống”, không chỉ dừng lại ở khâu triển khai lãnh đạo, chỉ đạo, mà từng tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên, sĩ quan cấp phân đội phải thật sự thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc. Trong đó lấy xây dựng mạnh về mọi mặt là chính, nhất là về bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp, mục tiêu lý tưởng chiến đấu, niềm tin, ý chí quyết tâm vượt khó khăn gian khổ, đức hy sinh của người quân nhân cách mạng cho sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội. Nâng cao khả năng “tự bảo vệ” trước những âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nâng cao “sức đề kháng” của mỗi sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội trước tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, hội nhập, nhất là trước sự cám dỗ của đồng tiền, của lối sống sa đọa. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, rèn luyện với tự giáo dục, tự rèn luyện, chăm lo xây dựng sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội cả về phẩm chất và năng lực, phương pháp, tác phong công tác, xứng đáng là người lãnh đạo, người sĩ quan, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, vừa “hồng” vừa “chuyên” như Bác Hồ đã dạy.

Bốn là, giải quyết thỏa đáng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân nhằm tạo động lực trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội.

Đây là nguyên tắc có tính cốt lõi trực tiếp chi phối đến quá trình phòng, chống này. Kết quả phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nói chung, của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ công tác tư tưởng, chính trị, tổ chức đến công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện.., mỗi yếu tố có vai trò riêng, không thể coi nhẹ bất cứ yếu tố nào. Nhưng nếu không giải quyết thỏa đáng giữa cống hiến và hưởng thụ; giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân cho sĩ quan cấp phân đội thì rất khó nói đến sự an tâm công tác, ổn định tư tưởng của họ.

Trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, đội ngũ cán bộ quân đội, trong đó có sĩ quan cấp phân đội là những người trực tiếp chấp nhận hy sinh thiếu thốn nhiều mặt, nhất là ở những đơn vị đóng quân nơi biên giới, hải đảo, những khu vực kinh tế - xã hội chưa phát triển, vùng khí hậu khắc nghiệt… thì đời sống của họ càng khó khăn, thiếu thốn. Điều đáng nói ở chỗ là họ vẫn phải giải quyết đúng đắn các mối quan hệ về lợi ích phù hợp với chuẩn mực giá trị xã hội. Thực tế hiện nay, phần lớn sĩ quan cấp phân đội làm nhiệm vụ tại các đơn vị cơ sở rất ít có điều kiện về thăm gia đình, và cũng chưa xây dựng được tổ ấm gia đình riêng. Vì thế, như mọi công dân khác trong xã hội hiện nay luôn có suy tính trăn trở, so sánh thiệt hơn về giá trị lợi ích, mong muốn có cuộc sống sung túc, gia đình hạnh phúc, nhưng họ lại không có điều kiện để thực hiện mong muốn của mình. Do đó, bên cạnh việc giáo dục, động viên về chính trị - tinh thần. Theo đó, cần sớm đổi mới các chính sách đãi ngộ đối với sĩ quan cấp phân đội nói riêng, sĩ quan Quân đội nói chung như: cải cách chế độ tiền lương, quan tâm đãi ngộ đúng mức cả về vật chất và tinh thần; cả lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị cho họ. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho sĩ quan cấp phân đội không chỉ ngoài việc chăm lo cái ăn, cái mặc, nơi ở, các cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống tinh thần của họ, mà còn phải có chính sách hậu phương quân đội thỏa đáng. Chính sách hậu phương quân đội cần phải được luật hóa thành các điều, khoản có tính pháp lý, hiệu lực cao với toàn xã hội, thực hiện thống nhất trong cả nước, tránh tùy tiện, áp đặt chủ quan của từng địa phương. Thực hiện động viên, khen thưởng, tôn vinh kịp thời, xứng đáng với những sĩ quan cấp phân đội có những thành tích xuất sắc phải xem đó là một trong những căn cứ, tiêu chuẩn để xét đề bạt, bổ nhiệm chức danh, phong quân hàm sĩ quan, phong tặng các danh hiệu, tiêu chí quan trọng để bình xét khen thưởng, cấp đất, nhà ở, tuyển chọn, bố trí công ăn việc làm cho vợ, con của họ trong thẩm quyền, khả năng của đơn vị nơi họ công tác. Thực hiện tốt các vấn đề trên cũng chính là sự đảm bảo công bằng, bình đẳng về lợi ích, nâng cao vị thế sĩ quan cấp phân đội trong quân đội và trong xã hội, là tạo động lực trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội.

Năm là, phát huy cao độ nhân tố chủ quan của sĩ quan cấp phân đội và nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội.

Đây là nguyên tắc có ý nghĩa quyết định trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực tiễn cho thấy, dù sức mạnh tác động của mọi tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đến sĩ quan cấp phân đội trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng không thay thế được nhân tố chủ quan của họ trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do đó, từng sĩ quan cấp phân đội phải tự mình nêu cao ý thức, trách nhiệm, tích cực, chủ động, tự giác trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; biết phân tích và xử lý tình huống trong thực tiễn nảy sinh một cách đúng đắn, theo nhiều hình thức, phương pháp, biện pháp khác nhau và bước đi phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể, để hoàn thành tốt cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, mỗi sĩ quan cấp phân đội phải tự chiến thắng mình trước sự cám dỗ về lợi ích vật chất cá nhân để vươn lên là những chủ thể tiêu biểu về nhân cách người cán bộ của Đảng trong quân đội. Phải tự vượt qua những cản trở về tâm lý, sự lôi kéo có tính tiêu cực; phải tự mình tìm thấy giá trị, ý nghĩa cuộc sống, hạnh phúc cá nhân trong hạnh phúc của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trong hạnh phúc của nhân dân, dân tộc và công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Thấu triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[6]. Cho nên, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cần phát huy ý thức, trách nhiệm, tích cực, chủ động, tự giác trong việc nêu gương sáng mẫu mực ở việc làm, hành động cụ thể, thiết thực với đích cuối là đem lại hiệu quả cao trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội. Vì vậy, trong cuộc sống và thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ huy phải thực sự là người tiêu biểu mẫu mực về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong công tác người cán bộ của Đảng trong Quân đội. Với tinh thần ấy, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nơi sĩ quan cấp phân đội công tác, phải thực sự là người có: lập trường, tư tưởng kiên định vững vàng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, quyết tâm phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; luôn nhạy cảm về chính trị, có khả năng nhận diện đúng các quan điểm thù địch, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; giúp mọi quân nhân trong đơn vị biết định hướng đúng trong tư tưởng, hành động và khả năng “miễn dịch” với các quan điểm thù địch và cơ hội chính trị hiện nay.

Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong cuộc sống và thực tiễn công tác thực sự phải là người tiêu biểu nêu gương sáng về: lời nói phải đi đôi với việc làm, nói như thế nào thì làm như thế ấy, không được nói một đằng làm một nẻo, xa rời thực tiễn, giáo điều, sách vở, làm tổn hại tới nhiệm vụ của đơn vị, hoen ố nhân cách của mình; thực sự tiêu biểu nêu gương sáng về “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, về “ nhân, lễ, trí, dũng, liêm, trung”, đề cao tinh thần và thực hiện chặt chẽ “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, luôn đặt lợi ích của Đảng, của tập thể đơn vị lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình; nêu gương về lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm, tinh thần tận tụy trong công việc, đoàn kết nhất trí trong tập thể lãnh đạo, chỉ huy, không cá nhân, bè phái; không thu vén cá nhân, lấy của công làm của tư, chăm lo lợi ích của quân nhân dưới quyền, không được kêu mình đói, mình rét, mình mệt khi bộ đội chưa ăn cơm, chưa đủ áo mặc, chưa đủ chỗ ở; không sống ích kỷ, theo kiểu “ăn đi trước, lội nước đi sau”; không tranh công đổ lỗi, thắng lợi không nhận hết công về mình, thất bại, vấp váp, dám nhận và chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho cấp dưới; giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, tập trung dân chủ, sâu sát với quần chúng, linh hoạt, sáng tạo mềm dẻo, kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc quan liêu, gia trưởng; không tham ô, hủ hóa, không mắc vào các tệ nạn xã hội mà phải gương mẫu đi đầu trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện phản giá trị khác về nhân cách ở ngay chính địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” càng nguy hiểm hơn trong điều kiện các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chống phá đối với cách mạng nước ta. Do đó, việc định hình các nguyên tắc trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội. Các nguyên tắc trên là một thể thống nhất không tách rời nhau, đều tham gia định hướng trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội. Quá trình tổ chức thực hiện đều không được coi nhẹ hoặc đề cao nguyên tắc nào, mà trên cơ sở của hệ thống các nguyên tắc gắn với tình hình từng đơn vị cụ thể để xây dựng hệ thống các giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay./.



* Chủ nhiệm khoa Triết học Mác - Lênin, Học viện Chính trị

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, 2016, tr. 144.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 27.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 264.

[4] Quốc hội, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam (hiện hành) (sửa đổi, bổ sung năm 2008, 2014, 2019), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 65.  

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 92.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 284.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyền thuyết bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh... là những truyền thuyết vô cùng nổi tiếng thời vua Hùng.