BẢN CHẤT CỦA CÁC LOẠI ĐẠO LẠ VÀ TÀ ĐẠO Ở
NƯỚC TA
Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo với khoảng trên 20 triệu người tin theo các tín ngưỡng,
tôn giáo khác nhau. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo cho người
dân là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời, Nhà nước
ta còn quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động trong khuôn
khổ của Hiến pháp và pháp luật.
Tuy nhiên, lợi dụng chính sách tự do tôn
giáo ở Việt Nam, một số người đã đứng ra thành lập và tuyên truyền một số hình
thức “đạo lạ” và cả “tà đạo” như: Long Hoa Di Lặc, Thanh Hải Vô thượng sư, tà đạo
Hà Mòn, Dương Văn Mình… nhằm lôi kéo, mê hoặc quần chúng nhân dân. Điều đáng
chú ý là các loại hình “đạo lạ”, “tà đạo” có cách hành đạo trái với văn hóa
truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhằm mục đích gây thanh
thế cá nhân, thu lợi bất chính về kinh tế; mặt khác gây bất ổn về An ninh chính
trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa,
vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của đất nước. Hoạt động các loại hình “đạo lạ”
và cả “tà đạo” định hướng tín đồ của mình những giá trị hết sức phi lý, làm cho
con người theo các loại “tà đạo” này mê muội như: Hiện tượng Dương Văn Mình
(quê Tuyên Quang), tự xưng là “chúa giáng thế”, tuyên bố rằng: “theo y cầu nguyện,
không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, người già sẽ lột xác, ốm đau sẽ
tự khỏi”, nơi hành lễ là “nhà đòn”, dựng ở đâu tùy thích, thờ phụng con ve sầu,
chim én, cóc gỗ thay vì thờ cúng tổ tiên như trước đây. Hay Y Gyin của đạo “Hà
mòn” dựng lên chuyện “Đức mẹ hiển linh” trao cho sứ mệnh truyền giáo, lập ra
cái gọi là “đạo Hà Mòn” lôi kéo, lừa bịp nhiều người dân thiếu hiểu biết; “Ai
theo Đức mẹ thì mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa, kể cả nợ ngân
hàng; ốm đau không cần chữa cũng khỏi bệnh; người đã theo thì không được bỏ, nếu
bỏ đạo gia đình sẽ ly tán”, “Hà Mòn” mới là “tôn giáo riêng” của người DTTS ở
Tây Nguyên”.
Bản chất của các lại “đạo lạ” và “tà đạo”
là ru ngủ con người một cách mê muội, làm cho cho người xa rời đời sống hiện tại,
dụ dỗ, tuyên truyền tín đồ tin vào những điều hết sức phi lý. Cách hành đạo
trái với văn hóa truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhằm mục
đích gây thanh thế cá nhân, thu lợi bất chính về kinh tế; mặt khác gây bất ổn về
An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Những người sáng lập ra các loại
hình “tà đạo” không có trình độ hoặc bệnh tật thần kinh, tâm thần… Tuy nhiên
các loại hình “đạo lạ”, “tà đạo” ở nước ta có một số điểm chung cơ bản sau:
- Người đứng đầu
(sáng lập): Luôn tự đề cao, đánh bóng… bản thân mình, tự xưng mình là “Phật”,
“Thánh”, “Thần”…, nhiều người trước khi tạo dựng “tà đạo” còn mắc bệnh tâm thần
hoặc từ nước ngoài tuyên truyền phát triển vào trong nước.
- Giáo lý, giáo luật của các loại hình tà
đạo chủ yếu được chắp vá, pha tạp, cải biên từ lý thuyết, giáo lý, giáo luật của
các tôn giáo truyền thống. Tuy nhiên nội dung lại trái với thuần phong, mỹ tục
của dân tộc, phản văn hóa, phản khoa học (khuyên người ốm không dùng thuốc, chỉ
cần cúng, dâng hoa, cầu nguyện, dùng “nước thánh”, “thuốc Phật”…), trái với quy
luật tự nhiên, lợi dụng các tà thuyết về “ngày tận thế” hoặc gắn với các nhu cầu
về sức khỏe để lôi kéo, mê hoặc, khống chế người dân.
- Mục đích hoạt động đều hướng đến mục đích phục vụ lợi
ích của người cầm đầu (“giáo chủ”) và các đối tượng cốt cán, tay chân của
chúng…(thông qua thu lệ phí “quy y”, bán “bùa”, “kinh sách”, “thuốc chữa bệnh”…)
- Cách thức thực hiện các nghi lễ mê muội, mê tín dị đoan, lừa bịp
người dân tin theo, phản khoa học, trái với những nghi lễ truyền thống, trái với
thuần phong mỹ tục của dân tộc…
- Phương thức hoạt động của các loại tà đạo Thường xuyên thay đổi địa điểm để tránh sự phát hiện,
xử lý của chính quyền; lợi dụng những sơ hở của pháp luật để tuyên truyền, tán
phát tài liệu tuyên truyền ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông dân cư, lợi
dụng những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức
còn thấp, điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe còn khó khăn để lừa bịp, lôi kéo,
khống chế… Đối tượng lôi kéo của các loại hình “tà đạo” phần lớn là những người
gặp rủi ro, bế tắc trong cuộc sống, ốm đau, bệnh tật, nghèo khó; những người có
trình độ văn hóa thấp, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số..
Sự xuất hiện của các loại hình “đạo lạ”,
“tà đạo” ở nước ta trong thời gian qua đã tác động không nhỏ tới đời sống người
dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gây
nên những bức xúc trong nhân dân và việc quản lý của chính quyền các cấp. Đề có
thể đấu tranh loại bỏ các hiện tượng “đạo lạ”, “tà đạo” ra khỏi đời sống xã hội
đòi hỏi cần nhận thức được bản chất và phương thức hoạt động của các loại hình
này./.
T.T
Nhận xét
Đăng nhận xét