BẦU CỬ LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CỬ TRI

Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của cử tri. Hiến pháp năm 2013 hiến định tại Điều 6: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

Thực hiện dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân

Dân chủ có nghĩa là dân làm chủ, dân là gốc của quyền lực nhà nước, mọi hoạt động của cơ quan nhà nước phải xuất phát từ ý chí, ý nguyện của nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.

Dân chủ trong xã hội được biểu hiện dưới hai hình thức là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Việc nhân dân bỏ phiếu bầu ĐBQH và đại biểu HÐND, bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, kiến nghị với các cơ quan nhà nước chính là hình thức dân chủ trực tiếp.

Dân chủ đại diện là hình thức dân chủ mà người dân được lựa chọn người đại diện mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước, đó là Quốc hội và HĐND. Hiến pháp năm 2013 tại Điều 79 hiến định: “ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước”. Điều 113 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”.

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Quyền bầu cử và ứng cử là của công dân, là quyền được hiến định và việc thực hiện các quyền này phải theo quy định của pháp luật.

Do vị trí đặc biệt quan trọng của Quốc hội và HĐND nên những người tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, các tiêu chuẩn cơ bản đối với ứng viên là: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm...

Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã yêu cầu: “Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.

Bảo đảm 4 nguyên tắc: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín

Đó là 4 nguyên tắc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp ở nước ta hiện nay. 4 nguyên tắc này đã được quy định tại Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. 4 nguyên tắc trên cũng được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng và được coi là phương thức bầu cử tiến bộ hiện nay.

Tại nhiều nước trên thế giới đều có quy định quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân. Tại Việt Nam, quyền này đã được quy định trong Hiến pháp-đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Hiến pháp năm 1946-bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta đã ghi nhận quyền này tại Điều 18 như sau: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của công dân trong bầu cử vẫn tiếp tục được khẳng định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp năm 1959 (tại Điều 23), Hiến pháp năm 1980 (tại Điều 57), Hiến pháp năm 1992 (tại Điều 54). Hiến pháp năm  2013 (Điều 27).

Đ.T (St)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyền thuyết bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh... là những truyền thuyết vô cùng nổi tiếng thời vua Hùng.